Kết tuần giao dịch từ ngày 4 - 8/10/2021, với việc thị trường hồi phục mạnh khi VN-Index tăng 5 phiên liên tiếp và vượt mốc 1.370 điểm, dòng tiền khối tự doanh công ty chứng khoán ghi nhận mua ròng ở mức gần 20 triệu cổ phiếu - tương ứng giá trị gần 700 tỷ đồng (gấp 12 lần so với tuần trước đó). Đây cũng là tuần mua ròng thứ 6 liên tiếp của dòng vốn này với tổng giá trị hơn 2.041 tỷ đồng.
Kết phiên giao dịch cuối tuần (8/10/2021), VN-Index đứng ở mức 1.372,73 điểm, tương ứng tăng 37,84 điểm (2,83%) so với tuần trước đó. HNX-Index tăng 15,43 điểm (4,33%) lên 371,92 điểm. UpCOM-Index cũng tăng 2,32 điểm (2,4%) lên 98,3 điểm.
Điểm tích cực của thị trường chứng khoán là việc khối tự doanh của các công ty chứng khoán (CTCK) đẩy mạnh mua ròng ở tuần này. Cụ thể, theo dữ liệu của FiinPro, tự doanh CTCK mua vào 41 triệu cổ phiếu, trị giá 1.794 tỷ đồng trong khi bán ra 21,3 triệu cổ phiếu, trị giá 1.904 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng ở mức gần 20 triệu cổ phiếu - tương ứng giá trị mua ròng gần 700 tỷ đồng (gấp 12 lần so với tuần trước đó. Đây cũng là tuần mua ròng thứ 6 liên tiếp của dòng vốn này với tổng giá trị hơn 2.041 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh thì khối tự doanh mua ròng tuần thứ 5 liên tiếp với giá trị gấp 2,2 lần tuần trước đó và đạt gần 410 tỷ đồng.
10 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ có giá trị mua, bán ròng mạnh nhất của khối tự doanh (Nguồn Ndh.vn)
Diễn biến theo từng nhóm ngành, ngành bán lẻ và bất động sản nổi lên là hai lĩnh vực được gom ròng nhiều nhất với giá trị khoảng 90 tỷ đồng. Nhìn chung tỷ trọng dòng tiền phân bổ vào hai nhóm này đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước đó dù biến động giá vẫn ghi nhận tăng trưởng.
Theo thống kê, dòng tiền từ khối tự doanh còn tìm đến các ngành ngân hàng (76,3 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (57,4 tỷ đồng), xây dựng và vật liệu (38 tỷ đồng), thực phẩm và đồ uống (17,9 tỷ đồng).
Mặc dù hoạt động 'gom hàng' chiếm ưu thế so với phía bán ra, nhưng dòng tiền giải ngân đang khá phân tán và không nhóm nào được mua ròng trên trăm tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, hàng & dịch vụ công nghiệp với đại diện là các mã vận tải, cảng biển bị bán mạnh nhất nhưng với giá trị không đáng kể. Về giá trị cụ thể, nhóm này rút ròng chưa đến 18 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh dù tuần trước mua ròng khoảng 4 tỷ đồng.
Trong phiên cuối tuần, cổ phiếu vận tải, cảng biến cũng hút tiền trở lại trước những dự báo về kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý III/2021. Loạt mã tăng mạnh nhóm này gồm PHP (7,1%), HAH (5,6%), GMD (3%), SGP (2,9%), VSC (2,1%)....
Tương tự, khối tự doanh cũng tiếp đà rút ròng cổ phiếu điện, nước, xanh dầu & khí đốt trong bối cảnh nhóm này gặp lực cung chốt lời ngắn hạn. Dòng vốn tự doanh cũng rút khỏi ngành hàng cá nhân & gia dụng, dầu khí, bảo hiểm, du lịch & giải trí,...
Thống kê giao dịch cụ thể, cổ phiếu VPB của VPBank đứng đầu trong Top 10 cổ phiếu được khối tự doanh CTCK gom ròng mạnh nhất tuần với 149,6 tỷ đồng, tương đương khối lượng hơn 3,5 triệu đơn vị. Tới đây, VPBank sẽ phát hành 1,97 tỷ cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 80% gồm 62,15% để trả cổ tức và phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 17,85%.
Bên cạnh đó, khối tự doanh cũng tập trung giải ngân vào SSI và HPG với giá trị lần lượt là 105,5 tỷ và 99 tỷ đồng. Dòng vốn tự doanh cũng tìm đến các cổ phiếu GEX (76,2 tỷ đồng), DPM (49,7 tỷ đồng), VHM (41,5 tỷ đồng), ACB (35,9 tỷ đồng) và REE (35,8 tỷ đồng).
Tại thị trường chứng chỉ quỹ, bộ phận tự doanh trở lại mua ròng 45,5 tỷ đồng chứng chỉ quỹ FUEVFVND sau tuần bán ròng trước đó. Tương tự E1VFVN30 cũng được khối này gom ròng với giá trị 38,4 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu KOS của Kosy bị bán ròng mạnh nhất với giá trị 75,1 tỷ đồng. Giao dịch được thực hiện qua kênh thỏa thuận với 2,5 triệu cổ phiếu trao tay.
Bên cạnh đó, tự doanh bán ròng một số bluechips như MWG (28,4 tỷ đồng), MBB (11,2 tỷ đồng), VIC (8,6 tỷ đồng) và VCB (8,1 tỷ đồng). Cùng chiều, áp lực bán ròng của khối này còn đặt lên HCM, TV2, NKG, VCI và NVL với giá trị 5,3 - 25,8 tỷ đồng.
VN-Index hồi phục, dòng tiền tiếp tục đổ về nhóm Midcap 
Nhóm VN30 thoát thua cuối phiên, 3 cổ phiếu ngân hàng lập đỉnh lịch sử