Tuyến cao tốc hơn 36.000 tỷ, nối Tây Nguyên với Duyên hải miền Trung sẽ khởi công trước tháng 8/2025
Theo tờ trình của Bộ Giao thông vận tải, tuyến cao tốc sẽ có tổng chiều dài khoảng 123km.
Mới đây, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm đã đến thăm và làm việc với đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh Gia Lai.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải sớm hoàn thiện hồ sơ đầu tư tuyến cao tốc  Quy Nhơn - Pleiku. Mục tiêu là khởi công dự án trước tháng 8/2025 và đưa vào khai thác trong nửa đầu nhiệm kỳ tiếp theo.
Ngoài ra, ông Hồ Văn Niên cũng đề xuất Chính phủ xem xét nâng tỷ lệ bổ sung ngân sách cho Gia Lai, đưa tỉnh này đạt mức trung bình của 10 tỉnh có tỷ lệ bổ sung cao nhất cả nước. Về vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, ông đề nghị áp dụng chính sách ưu tiên đặc thù, tăng mức bổ sung có mục tiêu cho địa phương từ 30% lên 40%.
Trước các kiến nghị này, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao sự xác đáng, thiết thực và phù hợp với thực tiễn cũng như khát vọng phát triển của Đảng bộ tỉnh Gia Lai.
Đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương tham gia buổi làm việc đa phần cũng bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ.
>> Bình Định chuẩn bị đấu thầu 29 khu đất làm nhà ở xã hội, khu đô thị, bệnh viện quốc tế 
Tổng Bí thư đã ghi nhận các đề xuất và yêu cầu Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan, trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ của mình, sớm nghiên cứu và có giải pháp cụ thể để đáp ứng những kiến nghị từ phía tỉnh Gia Lai.
Được biết, theo tờ trình của Bộ Giao thông vận tải, dự án Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku sẽ có tổng chiều dài khoảng 123km với đoạn qua Bình Định dài hơn 37km và đoạn qua Gia Lai dài gần 86km.Tuyến đường được thiết kế theo quy hoạch với quy mô hoàn chỉnh gồm 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75m, vận tốc thiết kế đạt 100km/h. Riêng những khu vực địa hình khó khăn như hầm An Khê và hầm Mang Yang, vận tốc thiết kế được giảm xuống 80km/h.Dự án dự kiến xây dựng hai hầm quan trọng là hầm An Khê (dài khoảng 2km) và hầm Mang Yang (dài khoảng 3km).
Bộ Giao thông Vận tải đã tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư dự án vào khoảng 36.594 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng hơn 3.700 tỷ đồng, chi phí xây dựng và thiết bị hơn 26.800 tỷ đồng.Các chi phí tư vấn, quản lý dự án, và chi phí khác ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng, trong khi chi phí dự phòng được dự trù hơn 4.000 tỷ đồng.
Khi tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku hoàn thành và đi vào hoạt động, dự án sẽ nâng cao năng lực kết nối giao thông giữa các vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh cho tỉnh Bình Định, Gia Lai và toàn khu vực Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung.