Tuyển dụng lao động của Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2024
Theo khảo sát của Adecco Việt Nam, 37% doanh nghiệp có ý định duy trì quy mô nhân sự hiện tại, 35% doanh nghiệp có kế hoạch tăng cường đội ngũ nhân viên ở mức dưới 25% so với hiện nay.
Trong giai đoạn đầy biến động này, nhà tuyển dụng có xu hướng ưu tiên tìm kiếm những ứng viên có kỹ năng lãnh đạo và quản trị biến động.
Ngoài ra, kỹ năng về công nghệ và kỹ năng số cũng đứng đầu trong các tiêu chí tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Đây là nhận định được đưa ra trong Báo cáo Hướng dẫn lương tại thị trường Việt Nam năm 2024, vừa được Công ty Adecco Việt Nam (thành viên của Tập đoàn Adecco toàn cầu - là nhà cung cấp dịch vụ tính lương, tuyển dụng và thuê ngoài nhân sự hàng đầu tại Việt Nam) công bố.
Theo Adecco Việt Nam, doanh nghiệp đang lựa chọn các giải pháp thận trọng trong công tác tuyển dụng, điều này được phản ánh qua các quyết định tuyển dụng của họ.
Kết quả khảo sát cho thấy có đến 37% doanh nghiệp có ý định duy trì quy mô nhân sự hiện tại, chỉ có 35% doanh nghiệp có kế hoạch tăng cường đội ngũ nhân viên ở mức dưới 25% so với số lượng hiện tại.
Các lĩnh vực có xu hướng gia tăng quy mô nhân sự đáng chú ý phải kể đến công nghệ thông tin, bán lẻ, bán buôn, hàng tiêu dùng và giáo dục.
Ngược lại, có 18% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô nhân sự, tăng 8% so với năm 2023, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất và bất động sản. Điều này phản ánh thị trường tuyển dụng vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2024.
Theo các chuyên gia của Adecco Việt Nam, trong giai đoạn đầy biến động này, nhà tuyển dụng có xu hướng ưu tiên tìm kiếm những ứng viên có kỹ năng lãnh đạo và quản trị biến động, với 47% doanh nghiệp tham gia khảo sát lựa chọn yếu tố này.
Kỹ năng về công nghệ và kỹ năng số cũng đứng đầu trong các tiêu chí tuyển dụng.Từ góc độ của người lao động, theo nghiên cứu của Adecco Việt Nam, trong vòng 12 tháng tới, 29% người được khảo sát không có ý định thay đổi công việc, trong khi 36% sẵn sàng cho cơ hội mới nhưng không chủ động tìm kiếm công việc.
Trái ngược với năm 2023, khi lương được đánh giá là yếu tố quan trọng nhất khi người lao động  đổi chuyển công việc, năm 2024 người lao động tham gia khảo sát lại ưu tiên chọn cơ hội thăng tiến, phát triển và chế độ phúc lợi làm yếu tố quan trọng hơn.
Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, kinh tế Việt Nam vẫn có tín hiệu tích cực trong quá trình phục hồi, nhờ một loạt các biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả 3 động lực chính gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng - đều có cơ hội tăng trưởng tích cực trong năm 2024. Xuất khẩu, từ những tháng cuối năm 2023, đang dần lấy lại đà tăng trưởng.
Bán lẻ và tiêu dùng tiệm cận ngưỡng hai con số. Lĩnh vực đầu tư đang có những cơ hội thuận lợi trong đầu tư công, vốn nước ngoài và đầu tư tư nhân, đặc biệt là ở những lĩnh vực mới nổi như năng lượng tái tạo và vi mạch bán dẫn.
So sánh tương quan trong bối cảnh trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, báo cáo của Adecco Việt Nam cho biết: Khi phân tích những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định đổi chuyển công việc của người lao động trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, phúc lợi và tiền lương vẫn đứng đầu với 67% lựa chọn.
So sánh giữa các quốc gia, Việt Nam, với 57%, vẫn đứng sau những nơi đắt đỏ hơn như Hong Kong-Trung Quốc (88%), Singapore (82%) và Hàn Quốc (78%).
Điều này cho thấy rằng người lao động trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương có kỳ vọng cao về mức lương.
Trên thực tế, 23% người lao động Việt Nam tham gia khảo sát đã nhận được mức tăng lương hơn 20% trong 12 tháng qua, dẫn đầu trong khu vực, tiếp theo là Ấn Độ với 21%.
Ngược lại, khi chuyển đổi công việc, có tới 46% người lao động Việt Nam, 91% người lao động Ấn Độ mong đợi sẽ được tăng lương ở mức trên 20%.
Trước những kỳ vọng này, doanh nghiệp cần xem xét chiến lược lương thưởng trong năm 2024, điều chỉnh hợp lý theo nhu cầu thị trường để thu hút và giữ chân nhân tài - Adecco Việt Nam phân tích.
>> Nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương tuyển dụng lao động 
Hơn 19 tỷ đồng 1 căn hộ, giá nhà Tokyo gấp 25 lần thu nhập hàng năm của người lao động 
Xây dựng trợ lý ảo hẹp để tư vấn chính sách cho 82.000 người lao động TT&TT