Tỷ lệ huy động tại các ngân hàng đã tăng cao trở lại trong quý 4, vượt tăng trưởng cho vay khoảng 2-3%.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2022 mới đây của WiGroup, các chuyên gia cho biết, đà tăng của nợ xấu đã chậm lại trong quý.
Cụ thể, khi tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống gần như đi ngang và chỉ nhích nhẹ lên mức 1,61%, cho thấy những nỗ lực kiểm soát nợ xấu của các ngân hàng đang có hiệu quả.
Tuy nhiên, dự phòng cho vay khách hàng đã giảm 11% so với quý trước. Mức giảm phân bố tập trung chính tại các NHTM Nhà nước với quy mô khoảng 25.700 tỷ (giảm 22% so với quý trước), chủ yếu được dùng để xử lý các nhóm nợ xấu, đặc biệt là nhóm nợ cấp 5, tiêu biểu như tại các ngân hàng BIDV và VietinBank.
Trừ nhóm ngân hàng dự phòng rủi ro lớn hơn 100% gần như không đổi thì tỷ lệ các ngân hàng có LLR nhỏ hơn 50% trong cơ cấu đã tăng gần 2,5 lần so với cuối năm ngoái, chiếm 17%. Điều này cho thấy số lượng các ngân hàng dễ bị tổn thương bởi nợ xấu đang tăng lên.
Đây sẽ là nhóm vào diện rủi ro trong năm sau khi tình hình vĩ mô trở nên kém tích cực.
Về tình hình thanh khoản, chuyên gia cho biết căng thẳng tại nhóm NHTM lớn và NHTM nhà nước đã hạ nhiệt trong các tháng cuối năm. Cụ thể, tỷ lệ huy động tại các ngân hàng này đã tăng cao trở lại trong quý 4, vượt tăng trưởng cho vay khoảng 2-3%.
Tuy nhiên, đối với nhóm các ngân hàng vừa và nhỏ còn lại thì nhu cầu vốn huy động để đảm bảo an toàn cho vay vẫn còn tương đối lớn, thể hiện qua việc tỷ lệ LDR có xu hướng tiếp tục phá đỉnh trong quý 4, đạt mức 79%.
Trong giai đoạn sắp tới, với việc áp dụng thông tư 26/2022, thanh khoản toàn hệ thống được dự báo sẽ được cải thiện tích cực, đặc biệt là đối với nhóm các NHTM Nhà nước – nơi tập trung tiền gửi Kho bạc Nhà nước.
Theo cách ghi nhận mới, tỷ lệ LDR tại các ngân hàng trên sẽ về mức quanh 81% tạo dư địa cho việc mở rộng cho vay trong năm 2023 và giảm áp lực lên lãi suất.