Nhà sáng lập tập đoàn bất động sản Starwood Capital Group, Barry Sternlicht, đã bày tỏ sự lo ngại về tương lai của hơn 4.000 ngân hàng ở Mỹ do tình trạng biến động của thị trường bất động sản.
Với việc ngành bất động sản đang phải vật lộn với lãi suất và lạm phát cao hơn, theo nhà đầu tư tỷ phú Barry Sternlicht , các ngân hàng khu vực đầu tư mạnh vào ngành này có thể gặp phải một số khó khăn.
CEO của tập đoàn bất động sản Starwood Capital Group bình luận: “Mỹ sẽ chứng kiến một ngân hàng khu vực phá sản  mỗi ngày hoặc có thể là 2 ngân hàng mỗi tuần”.
Theo Fortune, Sternlicht đã cảnh báo về những vấn đề đang tồn tại do lãi suất tăng trong lĩnh vực bất động sản và ngân hàng cũng như toàn bộ nền kinh tế trong hơn 2 năm nay.
Ông trùm bất động sản Barry Sternlicht cho rằng khả năng sụp đổ của các ngân hàng khu vực là do lãi suất tăng nhanh. Ảnh: Fortune |
Vào tháng 9/2022, chỉ vài tháng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất để chống lạm phát, ông cho rằng các quan chức đang sử dụng “dữ liệu lạm phát cũ”, đặc biệt liên quan đến nhà ở, và làm ảnh hưởng đến nền kinh tế một cách không cần thiết.
Một tháng sau, Sternlicht tiếp tục lời chỉ trích đó và lập luận rằng toàn bộ nền kinh tế đã “suy sụp nặng nề” do chi phí vay tăng cao và suy thoái kinh tế là điều không thể tránh khỏi.
Nhưng với việc Mỹ dần chứng tỏ khả năng phục hồi trước lãi suất cao và lạm phát vào mùa hè năm 2023, Sternlicht thừa nhận những lời kêu gọi suy thoái của ông là quá sớm.
Tuy nhiên, chuyên gia bất động sản vẫn tin rằng một số phân khúc của nền kinh tế không thể phản ứng kịp thời trước việc Chủ tịch Fed Jerome Powell tăng lãi suất nhanh chóng, bao gồm cả lĩnh vực bất động sản và ngân hàng địa phương.
Sternlicht nhận định: “Thị trường bất động sản gặp khó khăn vì lãi suất tăng quá nhanh. Chúng tôi có thể xử lý việc này nhưng sẽ mất khá nhiều thời gian. Gần 2 nghìn tỷ USD cho vay bất động sản hiện là một con số rất mong manh”.
Kêu gọi Fed hạ lãi suất một lần nữa
Nhiều nhà phân tích, chiến lược gia và lãnh đạo ngành bất động sản ở Phố Wall cũng cảnh báo về các vấn đề tiềm ẩn tại những ngân hàng khu vực do tình trạng bất động sản có giá trị thấp hơn số tiền cho vay trong năm qua.
CEO Scott Rechler của công ty phát triển bất động sản RXR cho biết, với làn sóng cho vay bất động sản thương mại sẽ đáo hạn trong vài năm tới và giá trị trong lĩnh vực này giảm mạnh, các ngân hàng sẽ phải vật lộn để đối phó với khoản lỗ cho vay ngày càng tăng.
Ông cảnh báo: “Tôi nghĩ sẽ chỉ còn 500 ngân hàng hoặc ít hơn tại Mỹ trong 2 năm tới. Còn nếu không phá sản, họ có thể buộc phải sát nhập”.
Theo quan điểm của Sternlicht, việc Fed tăng lãi suất có thể không mang lại hiệu quả chống lạm phát như mong đợi. Ảnh: Fortune |
Trong khi đó, đối với Sternlicht, cơn ác mộng này vẫn sẽ tránh được nếu Fed quyết định cắt giảm lãi suất. Ông nói: “Một cách để thu hút vốn vào những ngân hàng đó là hạ lãi suất, từ đó giúp tăng giá trị tài sản của họ”.
Vị CEO cho rằng việc giữ lại các ngân hàng địa phương là cần thiết vì họ rất quan trọng với “cấu trúc” của nền kinh tế Mỹ, cung cấp các khoản vay cho vay cho doanh nghiệp nhỏ hoặc trang trại mà ngân hàng lớn hơn thường bỏ qua.
Thêm vào đó, theo Sternlicht, việc tăng lãi suất không còn đem lại hiệu quả mong muốn trong việc giảm lạm phát, thay vào đó gây ra thiệt hại không cần thiết cho bất động sản và ngân hàng khu vực - và Chủ tịch Fed đang bắt đầu nhận thấy điều đó.
Cuối cùng, với khoản nợ quốc gia 34 nghìn tỷ USD đè nặng lên ngân sách của Chính phủ liên bang, Sternlicht dự đoán Chủ tịch Powell sẽ muốn hạ lãi suất để giảm chi phí lãi vay.
>> Tỷ lệ phá sản ở Mỹ tăng vọt vì Fed trì hoãn giảm lãi suất