Lợi nhuận bốc hơi, nợ nần chồng chất, ‘Apple của ngành cần sa’ nộp đơn phá sản

01-05-2024 09:04|Vũ Bấc

Từng được ca ngợi là "kỳ lân" trong ngành, nhà cung cấp cần sa MedMen nộp đơn xin phá sản ở Canada, chuẩn bị thanh lý tài sản vì khoản nợ khổng lồ.

MedMen là một nhà cung cấp sản phẩm làm từ cần sa, mặt hàng đã được hợp pháp hóa tại Canada và sở hữu nhiều cửa hàng bán lẻ và cơ sở trồng trọt tại các tiểu bang của nước này. Cổ phiếu của công ty được giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán Canada (mã cổ phiếu: MMEN) và trên thị trường OTC ở Mỹ (mã cổ phiếu: MMNFF).

Những năm trước, uy tín và độ phủ sóng sản phẩm của MedMen tại Canada và Mỹ được ví như "Apple Store trong ngành cần sa".

Lợi nhuận bốc hơi, nợ nần chồng chất, ‘Apple của ngành cần sa’ nộp đơn phá sản
Cửa hàng cần sa MedMen ở bang California, Mỹ

Công ty MedMen thông báo vào ngày 26/4 rằng đã nộp đơn xin phá sản theo Đạo luật Phá sản do mất khả năng thanh toán của Canada vào 2 ngày trước đó. Công ty tư vấn kinh doanh B. Riley Farber Inc. được bổ nhiệm làm người quản lý quá trình phá sản của công ty.

Công ty cũng thông báo rằng công ty con của họ ở Mỹ có trụ sở tại California đã được tiếp nhận tại Tòa án Thượng thẩm Los Angeles vào ngày 23/4 để giải thể và thanh lý tài sản một cách có tổ chức. Do thủ tục tiếp nhận này, các công ty con của MedMen sẽ bị giải thể hoặc bán tài sản theo luật pháp Mỹ.

Trong khi Giám đốc tài chính của MedMen, Amit Pandey, đã từ chức và được chấp thuận vào 13/2 thì mỗi giám đốc của công ty đều từ chức ngay trước khi thủ tục phá sản bắt đầu.

Lợi nhuận bốc hơi, nợ nần chồng chất, ‘Apple của ngành cần sa’ nộp đơn phá sản
Bên trong 1 cửa hàng MedMen tấp nập tại Canada

Được thành lập vào năm 2010 bởi Adam Bierman và Andrew Modlin, công ty đã mở rộng nhanh chóng, mở các cửa hàng ở một số bang nơi cần sa được hợp pháp hóa ở Mỹ.

Trước khi ra mắt công chúng vào năm 2018, MedMen đã huy động được 110 triệu USD và sau đó đã nhận được nguồn tài trợ bổ sung. Tuy nhiên, tin đồn về khả năng thất bại của MedMen đã lan truyền trên các nền tảng MXH trong vài năm gần đây.

MedMen gặp phải nhiều thách thức, nhất là khả năng quản lý tài chính yếu kém do chiến lược mở rộng nhanh chóng, tích lũy nợ đáng kể do tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao và khó khăn về lợi nhuận. Các tranh chấp pháp lý, đặc biệt liên quan đến quyền lợi lao động, đã làm trầm trọng thêm căng thẳng tài chính và thu hút cái nhìn thiếu thiện cảm của công chúng.

Những lo ngại về quản trị doanh nghiệp và sự biến động của thị trường càng làm phức tạp thêm những rắc rối về pháp lý và quản lý dòng tiền của công ty. Dư luận tiêu cực xung quanh xung đột nội bộ và sự ra đi của Giám đốc điều hành cũng ảnh hưởng đến danh tiếng của MedMen, làm giảm niềm tin của nhà đầu tư và việc vực dậy công ty càng thêm khó khăn.

Từng là ngôi sao trong ngành cần sa đang phát triển nhanh chóng, MedMen đã tự khẳng định mình là công ty cần sa đầu tiên đạt được vị thế "kỳ lân" khi đạt được mức định giá 1 tỷ USD vào năm 2018 và sau đó đã tăng lên tới 3 tỷ USD năm 2023, theo đưa tin từ báo Fortune.

Quyết định ngừng hoạt động được đưa ra sau khi đánh giá tình hình tài chính của MedMen và các công ty con không đáp ứng các nghĩa vụ tài chính đối với các chủ nợ có bảo đảm từ trước.

Theo hồ sơ của Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC), vào ngày 5/1, Ủy ban Chứng khoán bang British Columbia và Ủy ban Chứng khoán bang Ontario của Canada đã ban hành lệnh ngừng giao dịch cổ phiếu đối với công ty MedMen do không nộp hồ sơ báo cáo tài chính.

"Công ty không còn khả năng thanh toán các khoản nợ khi đến hạn và phải thực hiện các biện pháp cưỡng chế dự kiến ​​đối với các tài sản cho các chủ nợ. Sau khi xem xét cẩn thận các yếu tố này và nhận thấy không có lựa chọn thay thế nào khác, Ban giám đốc Công ty đã xác định rằng việc tiến hành quá trình nộp đơn phá sản và thanh lý tài sản là điều tốt nhất của công ty" - Đại diện MedMen đưa ra thông cáo báo chí ngày 26/4.

>> Thủ tướng Canada thổ lộ mỗi ngày đều muốn nghỉ việc

Hoàn thành tái cấu trúc khoản nợ, Novaland (NVL) muốn đổi kế hoạch phát hành 3 tỷ cổ phiếu

Thủ tướng Canada thổ lộ mỗi ngày đều muốn nghỉ việc

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/loi-nhuan-boc-hoi-no-nan-chong-chat-apple-cua-nganh-can-sa-nop-don-pha-san-232997.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Lợi nhuận bốc hơi, nợ nần chồng chất, ‘Apple của ngành cần sa’ nộp đơn phá sản
    POWERED BY ONECMS & INTECH