Tỷ phú, ông trùm công nghiệp đứng sau chiếc xe ô tô giá rẻ nhất thế giới qua đời ở tuổi 86
Ông Ratan Tata - người điều hành tập đoàn khổng lồ Tata trong 22 năm và có tên tuổi gắn với chiếc xe ô tô giá rẻ nhất thế giới, đã qua đời ở tuổi 86.
Ratan Tata, doanh nhân kế thừa và phát triển một trong những tập đoàn lâu đời nhất Ấn Độ thành một đế chế toàn cầu thông qua hàng loạt thỏa thuận hấp dẫn, đã qua đời ở tuổi 86.
Trong tuyên bố của Chủ tịch Tập đoàn Tata, Natarajan Chandrasekaran, Tata được vinh danh là “một nhà lãnh đạo xuất chúng, người không chỉ định hình nên Tập đoàn Tata mà còn đặt nền móng cho cả quốc gia chúng ta".
Sinh năm 1937 trong một gia đình theo đạo Zoroaster - những người sáng lập Tập đoàn Tata, Ratan Tata gia nhập tập đoàn vào năm 1962 và trở thành Chủ tịch đời thứ năm vào năm 1991. Trong suốt 22 năm lãnh đạo của ông, doanh thu của Tata Group đã tăng gấp 17 lần, từ 5,8 tỷ USD lên 165 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024.
Trong hơn hai thập kỷ lãnh đạo bắt đầu từ năm 1991, Ratan Tata đã nhanh chóng mở rộng tập đoàn 156 năm tuổi này. Hiện hoạt động tại hơn 100 quốc gia, Tập đoàn Tata, với hơn 20 công ty niêm yết, sản xuất đa dạng sản phẩm từ cà phê, ô tô đến muối và phần mềm, điều hành các hãng hàng không và cho ra mắt siêu ứng dụng đầu tiên của Ấn Độ.
Gần đây, Tata hợp tác với Powerchip Semiconductor Manufacturing Corp. của Đài Loan  để xây dựng nhà máy chế tạo chip trị giá 11 tỷ USD tại Ấn Độ và đang dự kiến mở nhà máy lắp ráp iPhone.
Dưới thời ông Ratan Tata, tập đoàn đã mở rộng nhanh chóng ra toàn cầu, ghi dấu ấn với những thương vụ mua lại gây chấn động như: mua lại Corus Group Plc., nhà sản xuất thép hàng đầu của Anh vào năm 2007, và Jaguar Land Rover vào năm 2008. Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính 2008 sau đó đã khiến doanh số ô tô ở các nền kinh tế phát triển sụt giảm mạnh.
Năm 2009, Tata Group ra mắt Tata Nano – chiếc xe rẻ nhất  thế giới với mức giá khoảng 2.500 USD, hướng tới người tiêu dùng thu nhập thấp tại Ấn Độ. Mặc dù Nano không thành công về mặt tài chính, Tata vẫn giành được sự tôn trọng nhờ cam kết của ông và tập đoàn đối với một xã hội tốt đẹp hơn.
“Ratan Tata có tầm nhìn lớn và đã đưa đế chế vượt xa khỏi biên giới Ấn Độ,” Kavil Ramachandran, Giám đốc Trung tâm Thomas Schmidheiny về Doanh nghiệp Gia đình tại Trường Kinh doanh Ấn Độ, nhận xét. “Mặc dù mang tầm quốc tế, một số sáng kiến của ông có phần gấp gáp.”
Tata đã lãnh đạo tập đoàn suốt 21 năm trong nhiệm kỳ đầu, nghỉ hưu vào năm 2012 và trở lại tạm quyền vào năm 2016 khi người kế nhiệm ông, Cyrus Mistry, bị phế truất. Ông cũng trải qua hai cuộc đấu tranh quyền lực lớn trong sự nghiệp, lần đầu vào năm 1991 khi đối mặt với các giám đốc điều hành lâu năm, và lần thứ hai vào năm 2016 để bảo vệ di sản của mình khi Mistry tìm cách giảm nợ của tập đoàn. Tata đã chiến thắng trong cả hai cuộc chiến, với cuộc đảo chính phòng họp năm 2016 dẫn đến việc Mistry mất chức Chủ tịch Tata Sons và gia đình Mistry dự định bán 18% cổ phần của họ vào năm 2020.
Ratan Tata không lập gia đình và không có con. Cái chết của ông để lại một khoảng trống lớn trong lãnh đạo của Tata Trusts, tổ chức từ thiện quyền lực nắm giữ 66% cổ phần của Tata Sons, đơn vị kiểm soát các công ty niêm yết lớn của tập đoàn. Theo truyền thống, Tata Trusts do một thành viên gia đình Tata lãnh đạo.
Những năm cuối đời, ông là người ủng hộ mạnh mẽ cho các công ty khởi nghiệp, như Ola Electric Mobility Ltd. – đã niêm yết thành công năm 2024 – và Goodfellows, nền tảng kết nối thế hệ.
Tập đoàn Tata có nguồn gốc từ năm 1868 khi Jamsetji Nusserwanji Tata thành lập một công ty thương mại, sau này mở rộng vào lĩnh vực nhà máy bông, thép, và khách sạn. Gia đình Tata thuộc cộng đồng Zoroastrian Parsi, những người từng trốn chạy khỏi đàn áp tôn giáo ở Ba Tư để tìm nơi an cư tại Ấn Độ.
Theo CNBC, Economic Times
>>“Đế chế ngành vận tải” Ấn Độ quyết tâm soán ngôi trung tâm logistics toàn cầu của Trung Quốc