Sống

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Con đường từ vua mì gói, tuyên bố "làm việc khó mới thú vị" đến 1 trong 30 người giàu nhất hành tinh

Thanh Thanh 16/08/2023 13:50

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng là người Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú thế giới do tạp chí Forbes (Mỹ) công bố.

Ông Phạm Nhật Vượng được biết đến là Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup - một trong những tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam. Sau những thành công của Vingroup, ông tiếp tục gây tiếng vang với VinFast khi tiến quân vào thị trường xe ôm công nghệ, đón đầu xu hướng của Việt Nam trong những năm sắp tới.

Mới đây nhất, cổ phiếu VFS của VinFast đã chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán Nasdaq - Mỹ. Tổng tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đạt khoảng 46 tỷ USD, vươn lên lọt TOP 30 người giàu nhất hành tinh.

Phạm Nhật Vượng: Hành trình từ vua mì gói đến đến chủ tịch Vingroup giàu nhất Việt Nam

Làm giàu nơi đất khách nhờ "mì gói"

Nhiều năm trước khi trở thành tỷ phú đầu tiên của Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng từng có quãng thời gian khởi nghiệp từ kinh doanh nhà hàng, rồi sản xuất mì ăn liền ở Kharkov, Ukraine.

Chia sẻ trên tờ Tin tức Kharkov, cựu thị trưởng Mikhail Pilipchuk ( Ông Pilipchuk là người đứng đầu thành phố những năm 1996-2002). nhớ lại, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Địa chất tại Moscow (Liên Xô, sau này là Nga), ông Vượng cùng vợ đến Kharkov, Ukraine chỉ với vài nghìn USD vay từ bạn bè.

Với số vốn ít ỏi trong tay, vợ chồng ông mở một nhà hàng mang tên Thăng Long trên nền nhà ăn cũ của nhà máy Malyshev. “Đồ ăn ngon, giá cả phải chăng và hợp túi tiền, nhà hàng của ông Vượng đã nhanh chóng phát triển và trở nên nổi tiếng với không chỉ người dân Kharkov mà với cả những du khách tới thành phố”, ông Mikhail kể.

Khi khủng hoảng kinh tế, tài chính xảy ra và chế độ tem phiếu được áp dụng cho hàng loạt mặt hàng tại Ukraine, Phạm Nhật Vượng cùng các cộng sự bắt đầu chuyển sang lĩnh vực kinh doanh mới, đó là sản xuất mì ăn liền. Khởi đầu nhà máy của ông Vượng chỉ có 30 công nhân làm việc.

Sản phẩm mì ăn liền của "ông chủ" Phạm Nhật Vượng khi đó mang tên "Mivina" đã trở thành thương hiệu đặc biệt hấp dẫn, được thị trường Kharkov nhanh chóng đón nhận và sau này nổi tiếng trên toàn Ukraine. Những năm tháng sau đó, nhà máy của Phạm Nhật Vượng kinh doanh rất thuận lợi, các chi nhánh liên tục được mở rộng tại nhiều thành phố của Ukraine. Ngoài Ukraine, thương hiệu mì ăn liền Mivina của ông Vượng còn được bán rộng rãi tại 30 quốc gia trên toàn thế giới như Estonia, Litva, Latvia, Moldova, Ba Lan, Đức, Israel...

Từ sản phẩm đầu tiên là mì ăn liền, nhà máy của ông Vượng bắt đầu sản xuất thêm mặt hàng mới là khoai tây nghiền. Các nhà máy "vệ tinh" sản xuất các mặt hàng từ gia vị cho tới bao bì sản phẩm... lần lượt được đưa vào hoạt động. Công ty Technocom cũng ra đời từ đó.

Nhìn thấy tương lai phát triển tại đây, ông Vượng đã đề nghị chính quyền thành phố giúp đỡ để mở rộng diện tích nhà xưởng sản xuất. Thời điểm đó, các nhà xưởng bị bỏ hoang của nhà máy Malyshev và Ukrelectromash được giao lại cho ông Vượng.

Không những biến rạp chiếu phim “Salut” bị bỏ quên thành trung tâm văn hóa của quận, doanh nhân người Việt còn biến khu nhà trẻ bị bỏ hoang thành một khách sạn ấm cúng.

Đầu những năm 2000 ông Phạm Nhật Vượng đã quyết định trở về Việt Nam lập nghiệp.

Đến tạo ra những "điều đầu tiên" tại Việt Nam

Từ những năm 2000, hành trình đầu tư của Phạm Nhật Vượng như bước sang một trang mới. Bằng số vốn kiếm được nhờ sự thành công vang dội với mì gói tại Ukraina, ông bắt đầu trở về Việt Nam đầu tư và mở 2 công ty bất động sản đầu tiên là Vinpearl năm 2000 và Vingroup năm 2002.

Những dự án đầu tiên tại Việt Nam mà ông Vượng đầu tư với tham vọng biến hòn đảo này trở thành một khu nghỉ dưỡng cao cấp là Đảo Hòn Tre ở Nha Trang.

Ban đầu, dự án này vấp phải vô số các ý kiến trái chiều, nghi ngờ rằng việc đầu tư như “ném tiền xuống biển”. Ông đã đập tan mọi ý kiến đó bằng sự thành công của Vinpearl Land Nha Trang. Khu du lịch này đã nhanh chóng trở thành tổ hợp vui chơi giải trí đa năng thu hút du khách bậc nhất tại Việt Nam và trở thành bàn đạp để nhân rộng mô hình khắp cả nước.

Tiếp nối sự thành công nhanh chóng của dự án đầu tiên, vị tỷ phú người Việt đã cho thấy tham vọng của mình khi tiếp tục khai trương Trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu – tổ hợp thương mại đầu tiên tại Việt Nam chỉ một năm sau đó.

Tới năm 2011, hai công ty cổ phần Vinpearl và công ty cổ phần Vincom chính thức sáp nhập và hoạt động dưới mô hình tập đoàn với tên gọi Tập đoàn Vingroup. Sau đó, Vingroup đã được niêm yết tại Sở Giao Dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh với mã cổ phiếu VIC, hiện là một trong những đế chế tư nhân hùng mạnh bậc nhất Việt Nam.

Phạm Nhật Vượng: Hành trình từ vua mì gói đến đến chủ tịch Vingroup giàu nhất Việt Nam

Tỷ phú đô la Mỹ đầu tiên của sàn chứng khoán Việt

Phạm Nhật Vượng được xem là tỷ phú đô la Mỹ đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt

Nam từ ngày 7/3/2011 với giá trị tài sản lên đến khoảng 21.200 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ đô la Mỹ tại thời điểm đó.

Ông được tạp chí Forbes nêu tên trong danh sách tỷ phú thế giới lần đầu tiên vào năm 2013 ở vị trí 974 thế giới với tài sản 1,5 tỷ đô la Mỹ (Theo Forbes 3/2013), năm 2016 là 2,1 tỷ USD (Theo Forbes 3/9/2016)

Theo Forbes, tính đến đầu tháng 6 năm 2021, tài sản của Phạm Nhật Vượng có giá trị 8,7 tỷ USD, đứng thứ 273 trong số các tỷ phú thế giới tính theo thời gian thực.

Vào tháng 4/2023 theo Forbes, ông Phạm Nhật Vượng sở hữu khối tài sản ròng có giá trị 4,6 tỉ USD, đứng thứ 586 trên thế giới.

Khép lại phiên giao dịch đầu tiên trên sàn chứng khoán Nasdaq Mỹ vào rạng sáng nay 16/8 (giờ Việt Nam), mã chứng khoán VFS của Hãng xe điện VinFast chính thức chạm tới mức giá 37,06 USD/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch đạt 6,8 triệu cổ phiếu.

Giá cổ phiếu tăng vọt đã đẩy giá trị vốn hóa của VinFast đạt 85,2 tỷ USD. Mức vốn hóa này nhiều bằng tất cả các công ty khởi nghiệp xe điện của Mỹ cộng lại, đồng thời cao hơn cả nhiều hãng xe danh tiếng khác trên thế giới như Ford, General Motors, Stellantis, BMW, Volkswagen, Mercedes-Benz…

Trong cơ cấu, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang nắm khoảng 45% cổ phần của VinFast. Vì vậy, sau khi VinFast kết thúc phiên giao dịch đầu tiên trên sàn chứng khoán Mỹ, tài sản của tỷ phú này cũng được tăng thêm khoảng 39 tỷ USD, nâng tổng tài sản lên hơn 44 tỷ USD. Đây cũng là mức tài sản lớn nhất từ trước đến nay của một tỷ phú người Việt.

Dựa vào mức tài sản ròng được Hãng tin Bloomberg cập nhật, có thể thấy tỷ phú Phạm Nhật Vượng tạm thời lọt vào top 30 người giàu bậc nhất hành tinh.

Khối tài sản của ông Vượng cũng tạm thời vượt hàng loạt tỷ phú nổi tiếng khác trên thế giới như: tỷ phú Zhang Yiming (42,3 tỷ USD, sáng lập Công ty mẹ TikTok), tỷ phú Jensen Huang (39,3 tỷ USD, CEO gã khổng lồ ngành chip Nvidia), tỷ phú Ma Huateng (38,4 tỷ USD, vị tỷ phú kín tiếng và quyền lực bậc nhất giới công nghệ Trung Quốc, ông chủ của gã khổng lồ công nghệ Tencent)...

Trong bảng xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index, ông Phạm Nhật Vượng là gương mặt duy nhất đại diện cho khối Đông Nam Á, vào top 5 người giàu bậc nhất châu Á.

Còn nhớ, trong một bài phỏng vấn trên VnExpress hồi đầu năm 2022, vị tỷ phú này từng chia sẻ làm việc khó mới thú vị: "Không có dự án nào là "không tưởng", vì nếu "không tưởng" thì chúng tôi sẽ không làm. Và nói chung, không có dự án nào dễ dàng cả vì các dự án dễ thì hoặc đã không đến tay chúng tôi, hoặc sẽ thiếu thú vị khi làm. Vậy thôi". Đúng như câu nói, ông Phạm Nhật Vượng đã thực sự tạo ra những con số thú vị, đáng tự hào khi làm được việc "khó".

Sắp khởi công siêu dự án khu đô thị lấn biển rộng gần 29km2 của Vingroup tại TP. HCM

Kế hoạch dài hơi của VinFast cho chính sách miễn phí sạc pin xe điện trong 2,5 năm tới

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ty-phu-pham-nhat-vuong-con-duong-tu-vua-mi-goi-tuyen-bo-lam-viec-kho-moi-thu-vi-den-1-trong-30-nguoi-giau-nhat-hanh-tinh-196752.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Con đường từ vua mì gói, tuyên bố "làm việc khó mới thú vị" đến 1 trong 30 người giàu nhất hành tinh
    POWERED BY ONECMS & INTECH