WorldBank ước tính, nâng hạng TTCK giúp Việt Nam hút thêm 25 tỷ USD vốn ngoại đến năm 2030 và 7,2 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp mỗi năm.
Ngày 16/4, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WorldBank) tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có đại diện từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Bộ Tài chính, WorldBank tại Việt Nam, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam và FTSE Russell.
Lãnh đạo UBCKNN chủ trì hội thảo |
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược tài chính (thuộc Bộ Tài chính) khẳng định thị trường chứng khoán (TTCK) đang trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan khẩn trương phối hợp, xử lý nhanh chóng, sớm có kết quả các vướng mắc thuộc trách nhiệm của ngành mình để đáp ứng được quy định tiêu chí nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vào năm 2025.
Ông Andrea Coppola - Chuyên gia Kinh tế trưởng tại WorldBank Việt Nam nhận định việc nâng hạng sẽ đẩy mạnh vị thế thị trường của Việt Nam, đảm bảo tiếp cận vốn đầy đủ cho nhà đầu tư nước ngoài. WorldBank ước tính, Việt Nam nếu nâng hạng TTCK sẽ thu hút được 25 tỷ USD vào năm 2030.
Bà Arabella Bennett - Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho rằng, mặc dù còn gặp thách thức nhưng Việt Nam đã đạt được kết quả trong nỗ lực hướng đến mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi. Việt Nam cũng đã được đưa vào danh sách theo dõi để nâng hạng TTCK Việt Nam của FTSE Russell.
Toàn cảnh Hội thảo |
Về phía UBCKNN, ông Vũ Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế trích dẫn báo cáo đánh giá của WorldBank, đề cập việc được nâng hạng sẽ thu hút thêm dòng vốn ngoại gián tiếp ròng khoảng 7,2 tỷ USD vào Việt Nam mỗi năm. Dòng vốn này chủ yếu đến từ các quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, để nâng hạng và phát triển TTCK bền vững, ông Dũng đưa ra 5 giải pháp gồm (1) Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố nền tài chính quốc gia trong dài hạn; (2) Tập trung củng cố cơ sở hạ tầng, khung khổ pháp lý đối với TTCK; (3) Thường xuyên theo dõi, đánh giá nguy cơ tăng trưởng nóng, và nguy cơ đảo chiều dòng vốn trên TTCK để có các kịch bản ứng phó kịp thời; (4) Phát triển TTCK theo chiều sâu, tăng năng lực chống chịu với các cú sốc bên ngoài và nâng cao hiệu quả công tác giám sát; (5) Cải thiện hạ tầng cho thị trường, áp dụng hệ thống thanh toán theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho các giao dịch cổ phiếu, giao dịch trong ngày (T+0).
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương đánh giá, Hội thảo đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện sự quan tâm của đại biểu đối với chủ đề Hội thảo. Các nội dung trao đổi, thảo luận của các đại biểu về cơ hội, thách thức khi nâng hạng TTCK, giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam là những vấn đề mà hiện nay Bộ Tài chính đang rất quan tâm, có ý nghĩa vô cùng thiết thực và hữu ích cho Bộ Tài chính trong thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
>> Nóng: UBCKNN họp với FTSE Russell và Morgan Stanley về việc nâng hạng TTCK
Chuyện room ngoại ở nhóm cổ phiếu ngân hàng: 'Cáo đã thèm mà nho chưa chín' 
Nhận định chứng khoán 17/4: Thận trọng phiên đáo hạn phái sinh