Chống hàng nhái, hàng giả, đặc biệt trên thương mại điện tử là cuộc chiến không dễ dàng, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong đó, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm là một trong những giải pháp quan trọng.
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội tăng cường kiểm tra hàng hóa dịp cuối năm. Ảnh: VGP/DA
(TyGiaMoi.com) - Liên tiếp thu giữ hàng giả, hàng nhái
Từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng nhái… ở cả môi trường truyền thống và trên mạng xã hội gia tăng trở lại. Vào thời điểm cuối năm, hoạt động này càng phức tạp hơn. Các mặt hàng vi phạm thuộc đủ chủng loại, tập trung vào nhóm hàng tiêu dùng, thực phẩm, điện tử…
Thực tế, khảo sát trên các trang mạng xã hội dễ dàng bắt gặp những mời chào mua hàng giả, hàng vi phạm bản quyền và cả hàng cấm kinh doanh. Khách hàng chỉ cần đặt số lượng và báo địa chỉ là hàng sẽ được chuyển tới tận nơi…
Đặc biệt trong những tháng cuối năm 2022, mặc dù cơ quan chức năng đã tăng cường ngăn chặn, triệt phá nhiều vụ việc nhưng các đối tượng vẫn tuồn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái... ra thị trường, lên mạng xã hội để tiêu thụ.
Điển hình ngày 2/12 vừa qua, đoàn liên ngành thành phố Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh nước hoa tại phường La Khê, quận Hà Đông, tạm giữ hơn 1.000 lọ nước hoa mang nhiều thương hiệu nổi tiếng. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận cơ sở có 5 nhân viên đang thống kê người đặt mua hàng trên mạng, đóng gói sản phẩm để chuyển phát nhanh.
Cũng trong ngày 2/12, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh tại phố Trần Vĩ, quận Cầu Giấy, tạm giữ gần 30.000 bộ quần áo, giày, găng tay có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Adidas. Cơ sở kinh doanh này sử dụng mạng xã hội để đăng tải hình ảnh, nhận đặt hàng, bán các sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nói trên.
Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, thương mại điện tử là xu hướng phát triển tất yếu, ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn thế giới và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Chính vì vậy, việc ngăn chặn hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái trong thương mại điện tử là một việc làm hết sức cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Đây không còn là vấn đề của một vài cá nhân, tổ chức hay công ty, mà là trách nhiệm của toàn xã hội và nhà nước.
Ngăn chặn sớm các hành vi vi phạm
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Nguyễn Đức Lê cho rằng, để giải quyết vấn đề chống hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trong không gian mạng đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cơ quan, đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, người tiêu dùng.
Về lâu dài, phải xây dựng nền tảng thương mại điện tử vững chắc, lựa chọn đơn vị điển hình để đẩy lùi các tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Theo đó, phải xây dựng thể chế, nền tảng cơ sở pháp luật đáp ứng được nhu cầu về quản lý nhà nước trong thời gian tới đối với nền kinh tế số nói chung và thương mại điện tử nói riêng, nghĩa là phải có khung pháp lý bắt kịp hơi thở của thời đại 4.0. Từ xây dựng cơ sở pháp lý đó, các bộ, ngành liên quan mới có căn cứ để vào cuộc.
Ngoài ra, cần tuyên truyền để không những cơ quan chức năng mà người tiêu dùng, doanh nghiệp biết được vai trò của mình ở đâu, cần phải làm gì, từ đó mới ngăn chặn, đẩy lùi, dần xóa bỏ các hành vi kinh doanh hàng giả, buôn lậu trên không gian mạng.
Ngay từ cuối quý III/2022, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã ban hành kế hoạch mở cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cũng ban hành kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng nhu cầu mua sắm tăng cao vào dịp Tết để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… với cả phương thức kinh doanh truyền thống và trực tuyến.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, từ tháng 11/2022, lực lượng quản lý thị trường đã đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn từ sớm các hành vi vi phạm. Trong đó chú trọng xử lý các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Chống hàng nhái, hàng giả, đặc biệt trên thương mại điện tử là cuộc chiến không dễ dàng, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong đó, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng hóa trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử là giải pháp quan trọng.
Theo Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Nguyễn Hữu Tuấn, Bộ Công Thương đã xây dựng cổng điện tử (địa chỉ online.gov.vn) tiếp nhận thông tin, khiếu nại, phối hợp xử lý… Ngoài ra, Bộ Công Thương còn phối hợp với các cơ quan liên quan gỡ bỏ các gian hàng, sản phẩm vi phạm trên thương mại điện tử…