Ứng viên Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2024, chưa đầy 32 tuổi là ai?
Tiến sĩ Đỗ Quang Lộc, ứng viên Phó Giáo sư trẻ nhất năm 2024, sinh năm 1992.
Mới đây, Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách ứng viên Giáo sư  và Phó Giáo sư năm 2024. Theo đó, có 673 ứng viên, trong đó có 62 ứng viên Giáo sư và 611 ứng viên Phó Giáo sư thuộc 25 ngành/liên ngành.
Trong số các ứng viên Giáo sư, PGS-TS Hoàng Lê Trường (sinh năm 1984, 40 tuổi), ngành Toán học, là ứng viên trẻ nhất. Ông Lê Hoàng Trường hiện đang công tác tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ông đã có 26 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế có uy tín (ISI, Scopus).
Trong khi đó, ứng viên Phó Giáo sư  trẻ nhất là ông Đỗ Quang Lộc, thuộc ngành Vật lý, sinh tháng 11/1992, chưa đầy 32 tuổi. Ông Lộc quê ở Chi Lăng, Lạng Sơn, từng tốt nghiệp ngành Kỹ thuật điện tử hiện đại, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Tiến sĩ Đỗ Quang Lộc hiện là Phó trưởng bộ môn Vật lý vô tuyến, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Ông từng đạt giải Nhì môn Vật lý trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2009-2010 và danh hiệu Nhà giáo trẻ tiêu biểu năm 2021. Ông đã có 58 bài báo khoa học, trong đó 24 bài trên các tạp chí quốc tế có uy tín (ISI, Scopus).
Trong số gần 700 ứng viên năm nay, ngành Kinh tế và Y học có lượng ứng viên nhiều nhất, lần lượt là 108 và 82 người. Hai ngành Văn hóa - Nghệ thuật - Thể dục thể thao và Ngôn ngữ học không có ứng viên. Hai ngành không công khai ứng viên là ngành Khoa học quân sự và Khoa học An ninh.
Theo quy trình xét tuyển Giáo sư, Phó Giáo sư, các trường đại học  thành lập Hội đồng cơ sở để chọn ứng viên đủ điều kiện, sau đó đề xuất lên Hội đồng Nhà nước. Hồ sơ của ứng viên sẽ được Hội đồng ngành, liên ngành thẩm định, đánh giá. Cuối cùng, Hội đồng Nhà nước xem xét và thông qua danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn, công bố vào tháng 11, 12 hàng năm.
Các ứng viên muốn xét Phó Giáo sư, Giáo sư cần là tác giả chính của 3-5 bài báo trên các tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus (hệ thống dữ liệu uy tín, tóm tắt và trích dẫn các bài báo khoa học) hoặc các danh mục khác do Hội đồng Giáo sư Nhà nước quy định.
>>Gia đình đại trí thức sở hữu nhiều cái ‘thứ nhất’ ở Việt Nam, bố làm giáo sư huyền thoại được lấy tên cho nhiều tuyến đường và trường học, 8 người con tài giỏi, uyên bác làm rạng danh gia tộc