Gia đình đại trí thức sở hữu nhiều cái ‘thứ nhất’ ở Việt Nam, bố làm giáo sư huyền thoại được lấy tên cho nhiều tuyến đường và trường học, 8 người con tài giỏi, uyên bác làm rạng danh gia tộc
Gia đình cố giáo sư là một trong những gia đình hiếm hoi có nhiều cái “thứ nhất” nhất Việt Nam.
Giáo sư Dương Quảng Hàm (1898-1946) quê ở làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên , xuất thân từ một gia đình Nho học giàu truyền thống yêu nước. Gia đình giáo sư nổi tiếng khắp vùng vì học vấn uyên thâm. Cụ nội ông, Dương Duy Thanh, từng là Đốc học Hà Nội. Cha ông, Dương Trọng Phổ, và anh cả Dương Bá Trạc là những người có ảnh hưởng lớn, trong đó Dương Bá Trạc là một trong những người sáng lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Em trai ông, Dương Tự Quán, cũng là một danh sĩ nổi tiếng.
Giáo sư Dương Quảng Hàm tiếp nối truyền thống gia đình với nhiều thành tích học tập và công tác xuất sắc. Năm 1920, ông tốt nghiệp thủ khoa trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Từ đó đến Cách mạng tháng Tám  năm 1945, ông chủ yếu giảng dạy tại trường Bảo hộ (trường Bưởi), Hà Nội, nơi ông dạy các môn tiếng Pháp, tiếng Việt, Lịch sử và Địa lý ở bậc Cao đẳng tiểu học, sau đó chuyển sang dạy Việt văn ở bậc trung học. Sau Cách mạng tháng Tám, ông được bổ nhiệm làm Tổng Thanh tra Trung học và sau đó là Hiệu trưởng trường Bưởi. Tháng 12/1946, ông hi sinh.
Nói về giáo sư Dương Quảng Hàm, người đời đã đánh giá ông là người thầy xuất sắc. Ông đã đặt nền móng cho môn lịch sử văn học và khởi xướng chương trình quốc học trong nền giáo dục hiện đại. Để tri ân những đóng góp vĩ đại của ông, nhiều tuyến đường và trường học đã được đặt theo tên của giáo sư. Các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng có những con đường mang tên ông, thể hiện sự tôn vinh và ghi nhớ công lao của vị giáo sư tài ba này.
Điều đặc biệt, những người con của giáo sư Dương Quảng Hàm cũng tài giỏi xuất chúng, tiếp nối được truyền thống hiếu học của gia đình. Có thể nói, gia đình giáo sư Dương Quảng Hàm là một trong những gia đình hiếm hoi có nhiều cái “thứ nhất” nhất Việt Nam.
Đầu tiên là Dương Bá Bành, con trai cả và người học giỏi nhất trong gia đình. Ông là một trong những sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên của Trường Đại học Y dược khoa, trở thành thế hệ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vào năm 1945, Bác Hồ đã trao bằng tốt nghiệp cho bác sĩ Dương Bá Bành. Trong thời kỳ chiến tranh, ông đã xin chuyển vào Nam, phụ trách một trạm quân y tiền phương ở Mặt trận Nam Trung Bộ. Khi Hà Nội bị tạm chiếm, ông trở lại cứu chữa thương binh và nhân dân tại Nhà thương Phủ Doãn (hiện nay là Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức).
Người con thứ hai là bà Dương Thị Ngân, một trong những phát thanh viên đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bà là một trong hai người cất lên câu nói lịch sử: “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Sau đó, bà Ngân và ông Nguyễn Văn Nhất (sau này là chồng bà) thay nhau đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên sóng phát thanh. Bà cũng vinh dự được đọc “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Bác và đã có hai lần được gặp Bác Hồ ngoài đời.
Người con thứ ba là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng Lao động Dương Trọng Bái, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông là tác giả của bộ sách giáo khoa Vật lý đầu tiên dành cho cấp Trung học phổ thông. Với những đóng góp to lớn cho ngành giáo dục, ông được bạn bè tôn vinh bằng bốn chữ “Mô phạm truyền gia”, như một người tiếp nối sự nghiệp của cha.
Người con thứ tư là bà Dương Thị Thoa, bí danh Lê Thi. Bà là một trong những người hoạt động cách mạng tích cực nhất trong gia đình và đã vinh dự kéo cờ Tổ quốc trong buổi lễ Bác Hồ đọc “Tuyên ngôn độc lập” vào ngày 2/9/1945. Bà Thoa không chỉ xuất sắc trong hoạt động cách mạng mà còn là Giáo sư, Tiến sĩ Triết học, nguyên Viện trưởng Viện Triết học (nay thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
Người con thứ năm là nhà giáo Dương Hồng. Ông được nhiều người biết đến với tài năng vẽ tranh đẹp, có thể sử dụng tay trái để vẽ và tay phải để viết chú thích. Ông còn là giáo viên dạy Sinh học, nổi tiếng với việc tự biên soạn các từ điển như Từ điển Pháp-Việt, Từ điển Sinh vật và từ điển dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt. Ông cũng tự vẽ một bộ sưu tập tranh các con vật phục vụ công tác giảng dạy.
Người con thứ sáu của cố giáo sư Dương Quảng Hàm là bà Dương Thị Duyên, từng là Ủy viên Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và là phóng viên nữ đầu tiên của Việt Nam Thông tấn xã (TTXVN) tham gia phái đoàn đàm phán tại Hội nghị Paris. Thành thạo tiếng Pháp và tiếng Anh, bà từng phụ trách Ban Tin thế giới và là nữ trưởng ban đầu tiên của TTXVN. Sau đó, bà chuyển sang làm Trưởng ban Quốc tế của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu.
Người con thứ bảy là Giáo sư, Bác sĩ Dương Thị Cương (sinh năm 1932), là nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh, Chủ nhiệm bộ môn Phụ sản tại Đại học Y Hà Nội, và Chủ tịch Hội Sản phụ khoa và Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam. Năm 1999, bà được trao giải thưởng Kovalevskaia.
Con trai út, Dương Tự Minh, đã tham gia hoạt động cách mạng từ năm 13 tuổi và bị bắt vào nhà tù Hỏa Lò hai lần. Ông từng là Trưởng ban Trường học của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Giám đốc Khách sạn Hà Nội. Tại Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, vẫn còn lưu giữ một số kỷ vật từ thời ông bị giam giữ.