CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - Mã chứng khoán: NVL) đã công bố BCTC hợp nhất quý I/2024. Theo đó, Novaland ghi nhận tổng doanh thu 697 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng doanh thu Novaland  tăng chủ yếu đến từ việc bàn giao tại các dự án NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram, Aqua City, Palm City, Lakeview City. Khấu trừ giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp của Novaland đạt mức 189,7 tỷ đồng, tăng 27,3% so với quý I/2023.
>> Nóng: Novaland (NVL) tiết lộ kết quả kinh doanh quý I/2024 
Mặc dù tổng doanh thu tăng trưởng, Novaland lại báo lỗ ròng 601 tỷ đồng, tăng khoản lỗ gần gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty lý giải nguyên nhân đến từ diễn biến tăng nóng của tỷ giá.
Theo đó, trong quý I vừa qua, doanh thu hoạt động tài chính của Novaland đạt 640 tỷ đồng, giảm 30,4%. Chi phí tài chính đạt 773 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ nhưng vẫn neo ở mức cao. Đáng chú ý, đi sâu vào khoản chi phí này, Novaland phải trả 241 tỷ và 75,4 tỷ đồng chi phí lãi từ hợp đồng hợp tác đầu tư và chi phí lãi vay - 2 khoản chi phí ghi nhận giảm so với quý I/2023.
Tuy vậy, do diễn biến tăng nóng của tỷ giá đã khiến Novaland ghi nhận khoản lỗ hơn 452 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá, dẫn đến việc Công ty phải đánh giá lại các khoản vay, trái phiếu và khoản mục khác có gốc ngoại tệ.
Novaland lỗ hơn 452 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá (Nguồn: BCTC Novaland) |
Từ đầu năm, diễn biến tăng "nóng" của tỷ giá đã khiến không ít doanh nghiệp "điêu đứng". Theo thông tin được Ngân hàng Nhà nước công bố, tỷ giá trung tâm giữa VND và USD áp dụng cho ngày 27/4 là 24.246 đồng, tăng 380 đồng so với tỷ giá áp dụng cho ngày 30/12/2023.
Tỷ giá USD tham khảo áp dụng cho ngày 26/4, tại Sở giao dịch NHNN mua vào và bán ở mức quanh mức 23.400 - 25.450 đồng.
Tính từ đầu năm đến nay, VND đã mất giá khoảng 4,43% so với đồng USD. Việc tỷ giá USD/VND tăng gây áp lực lên doanh nghiệp vay nợ, thanh toán bằng USD, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Hòa Phát, Novaland, Vietnam Airlines.
>> Cú đấm tỷ giá và những chiêu thức "né đòn" của Vua thép Hòa Phát 
Diễn biến tỷ giá USD/VND từ đầu năm đến ngày 27/4 |
Lý giải nguyên nhân khiến tỷ giá USD/VND tăng “nóng” thời gian qua, tại họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2024 diễn ra sáng 19/4, Phó Thống đốc NHNN - Ông Đào Minh Tú cho biết, có 3 nguyên nhân lớn nhất.
Thứ nhất, là kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm hạ lãi suất với tần suất cao trong năm 2024 đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến tỷ giá của các nước, trong đó có Việt Nam.
Thứ hai, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng địa chính trị, giá vàng và giá xăng dầu thế giới tăng,… cũng là các yếu tố tác động đến tỷ giá của các nước nói chung, nhất là những nước có độ mở lớn như Việt Nam.
>> Tỷ giá 'leo thang', Phó Thống đốc lý giải nguyên nhân 
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú tại họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2024 |
Thứ ba, chính sách lãi suất của Việt Nam đi ngược với rất nhiều quốc gia trên thế giới, khi các nước tăng lãi suất thì NHNN lại điều chỉnh giảm lãi suất, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Chính sách lãi suất thấp đã phần nào tác động đến tỷ giá, nhất là trên thị trường liên ngân hàng, khi tạo ra chênh lệch lãi suất âm giữa VND và USD.
Ngoài ra, trong quý I/2024, hoạt động xuất khẩu rất tích cực, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu tăng lên cũng tác động đến nhu cầu ngoại tệ, qua đó ảnh hưởng tỷ giá.
Trước tình hình trên, NHNN đã có những biện pháp điều chỉnh bằng công cụ của mình, trước công cụ tỷ giá trung tâm đồng cũng như quản lý thị trường…, nhằm đảm bảo cung cầu ngoại tệ phù hợp với thị trường. Và trong trường hợp cần thiết, NHNN sẽ sử dụng dự trữ ngoại hối để can thiệp tỷ giá, đảm bảo mục tiêu đề ra.