NHNN dồn dập đưa ra giải pháp: Giá vàng, tỷ giá USD/VND sớm hạ nhiệt?
Tỷ giá USD/VND và giá vàng có thể sớm hạ nhiệt trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước dồn dập tung ra các giải pháp ổn định thị trường.
Tỷ giá USD/VND lên đỉnh lịch sử, vàng cao ngất
Liên tục các phiên trong tuần 15-19/4, tỷ giá USD/VND dồn dập lên đỉnh cao mới trên cả thị trường ngân hàng, thị trường tự do và cả tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước  (NHNN) đưa ra.
Hôm 19/4, NHNN công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.260 đồng/USD - kỷ lục mới. Trong tuần, tỷ giá trung tâm tăng 178 đồng. So với đầu năm, tỷ giá này tăng 394 đồng, tương đương tăng 1,65%.
Trên hệ thống ngân hàng, tỷ giá USD/VND tăng mạnh hơn. Tỷ giá tại Vietcombank lập kỷ lục cao mới khoảng chục phiên liên tiếp và ghi nhận giá bán ra hôm 19/4 ở mức 25.473 đồng/USD, tổng cộng tăng 1.053 đồng so với cuối năm ngoái, tương đương mức tăng 4,31%.
Trên thị trường tự do, tỷ giá USD/VND cũng lập kỷ lục cao mới: 25.680 đồng (mua vào) và 25.760 đồng (bán ra), tăng khoảng 4% so với hồi đầu năm.
Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị đấu thầu vàng miếng SJC sau gần 11 năm tạm ngưng 
Tốc độ tăng của tỷ giá là rất nhanh, chưa tới 4 tháng kể từ đầu năm đã cao hơn nhiều so với mức trượt giá 2,9% trong cả năm 2023 của đồng VND so với USD.
Giá vàng miếng SJC vẫn ở ngưỡng 84 triệu đồng/lượng dù NHNN có kế hoạch đấu thầu vàng từ ngày 22/4.
Dồn dập các giải pháp
Việc tỷ giá tăng nhanh ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế, tại tâm lý lo lắng với không chỉ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam mà ngay cả với các doanh nghiệp trong nước; ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa, lạm phát và dòng vốn trên thị trường chứng khoán...
Hôm 19/4, NHNN đã công khai bán ngoại tệ can thiệp, cho các tổ chức tín dụng (TCTD) có trạng thái ngoại tệ âm, với mức giá đưa ra là 25.450 đồng, để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0. Đây là biện pháp can thiệp mạnh mẽ để ổn định thị trường ngoại tệ.
Bên cạnh đó, từ giữa tháng 4, NHNN thực hiện song song hai công cụ tín phiếu và công cụ cầm cố giấy tờ có giá trên thị trường mở (OMO) nhằm giảm áp lực tỷ giá. Cùng với việc bơm tiền cho các ngân hàng thiếu thanh khoản, NHNN đồng thời hút tiền về với các ngân hàng dư thừa tiền VND.
Kể từ ngày 11/3, NHNN đã hút về tổng cộng hơn 170 nghìn tỷ đồng để giảm bớt tình trạng dư thừa thanh khoản trên hệ thống. Đây cũng là khoảng thời gian tỷ giá được duy trì ổn định một cách tương đối, trước khi bứt lên trên ngưỡng 25.000 đồng/USD (theo giá bán ra tại Vietcombank) từ hôm 2/4.
Gần đây, các tín phiếu kỳ hạn 28 ngày đáo hạn đã trả lại thị trường một lượng tiền khá lớn, qua đó phần nào gây áp lực lên tỷ giá.
Áp lực còn lớn
Nhưng trên thực tế, tỷ giá USD/VND còn chịu nhiều áp lực cùng một lúc, từ việc duy trì kéo dài chính sách tiền tệ thắt chặt của Mỹ cho tới việc vàng tăng giá, nỗ lực thúc đẩy kinh tế và những tác động từ đại dịch các năm trước đây...
Năm 2023 việc ổn định tỷ giá khá thành công, nhưng NHNN đang đối mặt với một năm 2024 rất khó khăn. Áp lực giảm giá không phải là cá biệt đối với đồng VND của Việt Nam mà là với gần như tất cả đồng tiền trên thế giới, bao gồm cả rổ các đồng tiền chủ chốt như euro, yen Nhật, bảng Anh,...
Đồng yen Nhật hôm 16/4 xuống mức thấp nhất trong 34 năm so với đồng USD, sau đó còn bị bán khống mạnh trên thị trường quốc tế. Sau khi phá vỡ ngưỡng 150 yen đổi 1 USD hồi giữa tháng 3, tới 19/4, tỷ giá USD/yen đã là 154,54.
Cũng giống như đồng VND hồi tháng 3, chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản là rất lớn. Lãi suất tại Mỹ ở mức rất cao trên 5%/năm, trong khi hồi tháng 11-12/2023, lãi qua đêm tại Việt Nam chỉ từ 0,15-0,5%/năm. Tới giữa tháng 3, lãi qua đêm tại Việt Nam cũng chỉ ở mức 1,4%.
Kể từ đầu tháng 4, với các biện pháp của NHNN, lãi qua đêm đã lên mức 4-5%/năm, gần bằng so với Mỹ. Điều này làm giảm áp lực lên tỷ giá.
Mặc dù đồng yen liên tục lập đáy mới nhưng Nhật vẫn chưa can thiệp. Đó là bởi sự suy yếu của đồng yen do một số yếu tố cơ bản, bao gồm lãi suất tăng ở Mỹ. Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) có thể can thiệp, nhưng nhưng chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật có thể khiến đồng yen trượt giá trở lại.
Với Việt Nam, với hoạt động bơm hút song song và lãi qua đêm đã lên mức 4,95%/năm (hôm 19/4), tình hình tỷ giá USD/VND khả quan hơn cho dù còn rất nhiều yếu tố tác động khác.
Trong tháng 3, BOJ đã tăng lãi suất lần đầu tiên sau 17 năm nhưng chưa xoay chuyển được tình thế. Tại Việt Nam, NHNN chưa phải tăng lãi suất điều hành.
Các đồng tiền chủ chốt như euro, bảng Anh cũng chịu áp lực rất lớn do Mỹ chưa hạ lãi suất và đồng USD rất mạnh. Chỉ số DXY tăng 6,3% so với đáy tháng 7 năm ngoái. Một số nước đã tính tới giải pháp phải hạ lãi suất trước Mỹ và có thể phải chấp nhận mục tiêu lạm phát ở mức cao hơn.
Tại Việt Nam, giá vàng lên cao và chênh với thế giới quá nhiều cũng gây áp lực lên các nhà quản lý. Theo kế hoạch, NHNN bắt đầu đấu thầu bán vàng ra từ 22/4. Có thể, NHNN sẽ phải chi USD để nhập thêm vàng vì dự trữ vàng khá thấp, ước tính chỉ khoảng 10 tấn.
Không chỉ Việt Nam mà ngân hàng trung ương nhiều nước đang chờ đợi quyết định chính sách tiền tệ của Mỹ. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có kế hoạch giảm lãi suất khoảng 3 lần trong năm nay, nhưng tín hiệu trì hoãn ngày càng lớn. Khả năng phải tới tháng 9 mới bắt đầu cắt giảm.
Quan điểm chính sách của NHNN gần đây khá rõ ràng, điều hành theo hướng linh hoạt, không cố định tỷ giá, lên xuống phù hợp với tình hình và tránh những tác động mạnh của thế giới. Đây cũng là điều hợp lý, bởi các mệnh lệnh phi thị trường thường khó hiệu quả khi khả năng can thiệp của NHNN có giới hạn.
Mặc dù áp lực tỷ giá là rất lớn, nhưng với việc NHNN bắt đầu bán USD can thiệp và lãi suất qua đêm lên gần với mức của Mỹ, khả năng kiểm soát tỷ giá USD/VND đã tốt hơn.
Bên cạnh đó, theo đại diện một công ty chứng khoán, dòng vốn FDI và xuất khẩu của Việt Nam vẫn khá tích cực. Dòng tiền USD vào Việt Nam sẽ dồi dào trong khoảng tháng 5-6, do vậy cũng thêm dư địa để kiểm soát tỷ giá.
NHNN tung gần 17.000 lượng vàng SJC ra thị trường, giá vàng giảm mạnh? 
NHNN cho phép ngân hàng thương mại kéo dài cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ đến hết năm 2024