Với vị trí độc đáo và thiết kế tinh tế, ngôi chùa này là điểm đến check-in không nên bỏ lỡ trong dịp lễ sắp tới.
An Giang từ lâu đã được biết đến với nhiều công trình tâm linh  đặc biệt, trong đó không thể không nhắc đến chùa Vạn Linh ở Núi Cấm - ngọn núi được mệnh danh là "nóc nhà" miền Tây.
Chùa Vạn Linh, hay được người dân địa phương gọi là Chùa Lá, được xây dựng ban đầu vào năm 1927 với mái tranh lợp lá và vách đất đơn sơ. Ngày nay, chùa nằm trên đỉnh núi Cấm ở ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang ở độ cao khoảng 600m so với mực nước biển.
Chùa Vạn Linh sở hữu vị trí tuyệt đẹp khi nằm trên đỉnh núi Cấm và hướng mặt về hồ Thuỷ Liêm. Khuôn viên được bố trí với những cây xanh tạo độ thoáng mát, hoa trồng ở khắp mọi nơi. Đi dạo ở đây nghe tiếng chuông và vãn cảnh cũng mang đến cho du khách cảm giác thanh tịnh, xua tan hết mọi mệt mỏi thường ngày.
Khu vực chính điện có bảo tượng Đức Phật Thích Ca bằng đá nguyên khối nặng đến 2 tấn. Hai bên tượng Đức Phật là là hai phù điêu bằng đá Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Địa Tạng. Trước cửa điện Phật, hai phù điêu Hộ Pháp và Tiêu Diện cũng được làm từ đá, tạo nên một không gian trang nghiêm và thiêng liêng. Ngoài ra, trong khu hậu điện còn có phù điêu của Tổ sư Đạt Ma, cũng được làm từ đá càng tôn vinh thêm không gian linh thiêng của chùa.
Khu vực trước sân của chùa Vạn Linh được chăm sóc kỹ lưỡng, với nhiều bảo tháp  đặc sắc. Trong đó, có tháp Hòa Thượng Khai Sơn Thích Thiện Quang, cao đến 3 tầng; Tháp Chuông hình bát giác, cao 2 tầng và tháp Bảo Tháp Quan Âm cao 7 tầng (không tính tầng trệt và tầng nóc). Nổi bật nhất là Bảo Tháp Quan Âm với chiều cao 40m, xây dựng theo kiến trúc Bồ Đề Đạo Tràng tại Ấn Độ. Tại đây có đặt tượng thờ nhiều vị Phật, Bồ tát bằng đá quý.
Tại chùa Vạn Linh còn có nhiều công trình khác như Niệm Phật Đường, nhà tu học cho chư tăng, nhà khách, giảng đường, trai đường, nhà bếp và vườn Lâm Tỳ Ni,...du khách không nên bỏ qua.
Chùa Vạn Linh không chỉ là nơi linh thiêng mà còn nằm ở đỉnh núi cao, mang lại không khí mát mẻ quanh năm. Đặc biệt tại chùa mỗi năm còn có tổ chức lễ giỗ Hòa thượng Khai sơn Thích Thiện Quang vào các ngày 23, 24/11 âm lịch. Lễ giỗ được tổ chức rất long trọng, linh đình. Du khách có thể lựa chọn đến đây vào thời gian này để trải nghiệm.
Ngày nay, ngôi chùa không chỉ trở thành một địa điểm tham quan với thiết kế độc đáo, ấn tượng. Mà nơi đây dường như đã trở thành chốn dừng chân quen thuộc đối với bất cứ ai mỗi lần có dịp đến với mảnh đất hữu tình nổi tiếng khắp An Giang này.