Tài chính Ngân hàng

Vàng 'lập đỉnh' 121 triệu: Chốt lời, giữ tiếp hay nên nhìn lại chính mình?

Hà Anh 22/04/2025 08:25

Từ đầu năm đến nay, thị trường vàng trong nước liên tục lập đỉnh, vượt qua mọi dự báo.

Sáng 22/4, giá vàng miếng SJC chính thức chạm mốc 121 triệu đồng/lượng, tăng gần 31 triệu đồng so với thời điểm đầu năm. Đáng chú ý, vàng nhẫn còn ghi nhận mức tăng ấn tượng hơn, khi vọt lên 118 triệu đồng/lượng. So với đầu năm, giá mua vàng nhẫn tăng 32 triệu đồng, trong khi giá bán tăng tới 34 triệu đồng/lượng.

Từ đầu năm đến nay, thị trường vàng trong nước liên tục lập đỉnh, vượt qua mọi dự báo. Nếu đầu năm, giới phân tích còn cho rằng mốc 100 triệu đồng/lượng là mục tiêu "trong dài hạn", thì chỉ trong vòng hơn 4 tháng, giá vàng không chỉ chạm mà đã vượt xa kỳ vọng, leo thẳng lên mức 121 triệu đồng/lượng.

Cảm xúc nhà đầu tư vì thế cũng lên xuống như biểu đồ giá: vui sướng, lo lắng, tiếc nuối – tất cả cùng diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Không ít người từng bán vàng ở mức giá 100 triệu vì cho rằng đã “lên đỉnh”. Nhưng chỉ vài tuần sau, khi giá tiếp tục leo lên 110 rồi 121 triệu, cảm giác tiếc nuối bắt đầu xuất hiện – không hẳn vì mất tiền, mà là vì cảm giác mình đã sai. Sai không phải vì quyết định bán, mà vì… không hiểu rõ mình đang làm gì.

Khi thị trường hưng phấn, ai cũng vui - nhưng giữ được đến cuối mới là điều khó

Trao đổi với chúng tôi, ông Lâm Tuấn - Chuyên gia tài chính cá nhân chia sẻ, người có lợi nhuận cao nhất trên thị trường vàng không nhất thiết là người mua vào đúng thời điểm đáy, mà là người có chiến lược giữ phù hợp và biết khi nào cần đứng yên.

Khi vàng vượt 121 triệu, mạng xã hội tràn ngập những lời kêu gọi: “Té đi”, “Chốt lời sớm còn hơn tiếc muộn”, “Giữ nữa là tham rồi”. Nhưng sau những lời hô hào ấy, ít ai chỉ ra bước tiếp theo nên làm gì sau khi bán, có nên tái cơ cấu? Chuyển sang kênh đầu tư nào? Giữ tiền mặt bao lâu?

Ông Lâm Tuấn cho biết, phần lớn nhà đầu tư cá nhân hiện nay không đầu tư theo kế hoạch, mà hành động theo cảm xúc. Sau khi chốt lời, họ đứng ngoài thị trường rồi lại tiếc khi giá tiếp tục tăng. Cảm xúc FOMO (sợ bỏ lỡ) trỗi dậy và họ mua lại ở mức giá còn cao hơn mức từng bán. Chu kỳ cứ thế lặp lại.

Đầu tư hay phản ứng?

Một câu hỏi đơn giản nhưng có thể là nền tảng cho mọi quyết định: “Bạn mua vàng vì có kế hoạch, hay vì sợ bỏ lỡ?”. Tương tự, “Bạn bán vì đạt mục tiêu, hay vì sợ giá quay đầu?” Nếu không thể trả lời rõ ràng, có thể bạn không thực sự đầu tư mà chỉ đang chạy theo tâm lý đám đông.

thuy-linh-chuyen-gia-nqs.png
Chuyên gia tài chính cá nhân Lâm Tuấn

>> Giá vàng 'tăng dữ dội' chạm mốc 120 triệu đồng/lượng: Nên mua vàng nhẫn hay vàng miếng?

Theo ông Lâm Tuấn, việc “té” khỏi thị trường không sai. Vấn đề là té vì lý do gì, do sợ hãi hay dựa trên chiến lược? Té ở 95 triệu vì sợ “bong bóng nổ”, té ở 105 vì “lời vậy là đủ”, té ở 110 vì “không thể tăng mãi được”… rồi sau đó lại vào lại ở 121 triệu vì sợ bị bỏ lại phía sau. Những quyết định này không phản ánh sự thiếu thông minh mà là thiếu định hướng đầu tư rõ ràng.

Với nhà đầu tư có tư duy dài hạn, việc nắm giữ vàng luôn đi kèm chiến lược cụ thể. Ví dụ, một người có thể giữ 20% tài sản ở vàng. Nếu giá tăng quá nóng, họ có thể chốt 5% để hạ tỷ trọng nhưng hiếm khi bán hết, vì họ hiểu rằng không ai đoán đúng thị trường mãi mãi. Điều quan trọng là luôn còn “ở trong cuộc chơi”.

Điều này tưởng như đơn giản, nhưng để làm được đòi hỏi nhiều hơn kiến thức – đó là kỷ luật, sự hiểu biết về bản thân và tư duy đầu tư thực sự.

121 triệu – cơ hội hay cú lừa cảm xúc?

Ông Lâm Tuấn chia sẻ, mức giá 121 triệu đồng/lượng có thể là cơ hội với người có kế hoạch rõ ràng, biết phân bổ tài sản và kiểm soát rủi ro. Nhưng với những ai đầu tư vì thấy “ai cũng mua” hoặc vì sợ “không mua sẽ tiếc”, thì đây lại có thể là một cú trượt dài – vì bạn đang lái xe mà không có bản đồ.

Chuyên gia chia sẻ thêm: "Bạn có thể am hiểu phân tích kỹ thuật, biết cách đọc các mô hình, chỉ báo… nhưng không một công cụ nào đo được nỗi sợ hay sự tiếc nuối khi thị trường biến động ngược kỳ vọng. Và cũng không có mô hình nào nhắc bạn rằng: bạn đang hành động theo cảm xúc, chứ không phải chiến lược".

Theo ông Tuấn, không ai có thể chắc chắn vàng sẽ tiếp tục tăng hay điều chỉnh. Thứ duy nhất có thể kiểm soát là khối lượng nhà đầu tư đang nắm giữ, bao nhiêu là hợp lí, nếu giảm giá thì sao, nếu giá tăng thì sao, nhà đầu tư có đủ tỉnh táo để không FOMO?

Ông Lâm Tuấn chia sẻ: "Đầu tư không phải là trò chơi đoán đúng. Đầu tư là hành trình hiểu rõ bản thân – kể cả khi mình sai".

>> Giá vàng 'tăng kịch trần' gần 116 triệu đồng/lượng: Nên làm gì trước 'cơn lốc' này?

Mua vàng nhẫn hay SJC lúc này lợi hơn?

Giá vàng hôm nay 22/4/2025 nhảy vọt 4 triệu đồng, người mua nuối tiếc

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vang-cham-moc-120-trieu-chot-loi-giu-tiep-hay-nen-nhin-lai-chinh-minh-287420.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Vàng 'lập đỉnh' 121 triệu: Chốt lời, giữ tiếp hay nên nhìn lại chính mình?
    POWERED BY ONECMS & INTECH