'Vàng xanh' quý hiếm đối mặt nguy cơ thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng, cơ hội để Việt Nam bước vào thị trường 66 tỷ USD
Khi ngành xe điện bùng nổ trên toàn cầu, nhu cầu sử dụng kim loại này ngày càng tăng khiến giá trị dự kiến tiếp tục leo thang trong tương lai.
Niken, kim loại quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, đang trở thành tâm điểm chú ý toàn cầu khi nhu cầu tăng vọt từ ngành xe điện và năng lượng tái tạo. Việt Nam, với trữ lượng hơn 3,6 triệu tấn, được kỳ vọng đóng góp đáng kể vào thị trường niken quốc tế trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu có nguy cơ thiếu hụt.
Ở độ sâu gần 1.000m dưới lòng đất, niken được khai thác từ các mỏ đá hàng tỷ năm tuổi, trở thành thành phần không thể thiếu trong nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là thép không gỉ và pin xe điện (EV). Với đặc tính chống oxy hóa, bền và hiệu quả lưu trữ năng lượng cao, niken được ví như "vàng xanh" của ngành công nghiệp hiện đại.
Theo Forbes, niken từng ghi nhận mức tăng giá 30% chỉ trong hai tháng giữa năm 2019, gấp đôi mức tăng của vàng. Khi ngành xe điện phát triển bùng nổ, nhu cầu sử dụng niken càng tăng, khiến giá trị kim loại này dự kiến tiếp tục leo thang trong tương lai.
Nghiên cứu năm 2021 của Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (Bộ Công Thương) ước tính Việt Nam sở hữu hơn 3,6 triệu tấn niken, tập trung chủ yếu ở Thanh Hóa (3,06 triệu tấn), Sơn La (420.000 tấn) và Cao Bằng (133.000 tấn). Mặc dù không nằm trong nhóm quốc gia có trữ lượng lớn nhất, Việt Nam có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp chế biến niken phục vụ sản xuất pin xe điện và năng lượng tái tạo. Điều này không chỉ giúp tận dụng nguồn tài nguyên mà còn mang lại lợi ích kinh tế lớn cho đất nước.
Khi ngành xe điện phát triển bùng nổ, nhu cầu sử dụng niken càng tăng. Ảnh minh họa |
>> Ấn Độ 'quay xe' với dầu Nga, chốt đơn 7 triệu thùng dầu từ Trung Đông và châu Phi 
Báo cáo từ Nhóm Nghiên cứu Niken Quốc tế (INSG) cho biết, thị trường niken toàn cầu sẽ thặng dư ngắn hạn đến giữa năm 2024 nhưng bước ngoặt có thể xảy ra vào năm 2025. Nhu cầu niken dự kiến đạt 3,514 triệu tấn, trong khi sản lượng chỉ tăng lên 3,649 triệu tấn, thu hẹp lượng thặng dư xuống còn 135.000 tấn.
Đặc biệt, chính phủ Indonesia – nhà sản xuất niken hàng đầu thế giới – đang cân nhắc cắt giảm 40% hạn ngạch khai thác vào năm 2025. Theo các nhà phân tích, động thái này có thể khiến nguồn cung toàn cầu giảm hơn một phần ba, đẩy giá niken lên mức cao kỷ lục.
Phân tích của Benchmark cho thấy, thế giới có nguy cơ thiếu hụt 839.000 tấn niken vào năm 2034 nếu không đầu tư mạnh vào khai thác và chế biến. Ước tính, cần khoảng 514 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu pin toàn cầu vào năm 2030, trong đó riêng niken chiếm 66 tỷ USD – con số cao nhất trong tất cả các vật liệu chuyển đổi năng lượng.
Dù vậy, sự phát triển dự án niken đang bị chậm trễ, do khai thác mỏ thường mất từ 5 đến 25 năm để đưa vào vận hành. Sự mất cân đối giữa cung và cầu này đang đe dọa chuỗi cung ứng của ngành xe điện và các ngành công nghiệp xanh.
Bộ Năng lượng Mỹ đã phân loại niken là "vật liệu gần quan trọng", nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của nó trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Niken không chỉ cần thiết cho pin xe điện mà còn cho tua-bin gió, tấm pin mặt trời, và sản xuất hydro xanh. Theo Diễn đàn Năng lượng Quốc tế (IEF), nhu cầu niken sẽ tăng 65% vào cuối thập kỷ này, đặc biệt nhờ quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và sự bùng nổ của thị trường xe điện.
Với tiềm năng lớn, Việt Nam có cơ hội đóng góp vào chuỗi cung ứng niken toàn cầu. Tuy nhiên, để tận dụng lợi thế, cần có chiến lược đầu tư bài bản, từ khai thác đến chế biến, nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
>> Dự báo giá Lithium năm 2025: Trung Quốc cắt giảm sản lượng và nhu cầu tăng từ xe điện