Nhiều người vay nợ bằng vàng "đứng ngồi không yên" khi giá vàng tăng chóng mặt.
Cuối năm trước, vợ chồng anh T (34 tuổi, Thanh Hóa) và chị H (28 tuổi, Hà Tĩnh), quyết định mua căn chung cư  65m2 giá 1,9 tỷ đồng ở quận Hà Đông (Hà Nội). Lúc mua nhà, vợ chồng anh chỉ có 700 triệu đồng, bố mẹ hai bên cho thêm 200 triệu đồng, còn lại đi vay. Thấy cháu cần tiền gấp, cậu ruột của H đã cho mượn 10 cây vàng với điều kiện lúc trả lại cũng sẽ trả bằng vàng, sau 6 tháng trả trước 5 cây.
Thời điểm đó, giá vàng  chỉ ở mức 54-55 triệu đồng/cây. Bán xong, giá vàng tăng lên mỗi ngày. Đến thời điểm trả vàng cho cậu đã ở mức khoảng 70 triệu đồng. Như vậy, số tiền chênh lệch để mua vàng trả nợ là khá lớn. Với 6 cây vàng trả trước, vợ chồng anh T sẽ phải bỏ ra số tiền chênh lệch 90 triệu đồng.
Tương tự, vợ chồng ông P ở Thanh Hóa mua nhà cho con trai ở Hà Nội. Căn nhà trị giá 2,1 tỷ đồng. Chưa trả nợ  được đồng nào, con trai kết hôn, có con rồi dịch bệnh, kinh tế khó khăn khiến công việc không ổn định. Vì để giúp con trai trả nợ, ông bà đã đến tuổi nghỉ hưu vẫn đi làm thêm, gồng gánh hỗ trợ.
Điều đáng nói, khoản tiền ông bà vay em gái là vay vàng, phải trả vàng nên khi giá vàng chênh lệch càng khiến vợ chồng ông khó khăn. Cụ thể, ông P vay em gái 20 cây vàng, đều trả lại bằng vàng nhưng so sánh giá từ thời điểm vay đến thời điểm trả chênh lệch khá nhiều. 20 cây vàng khi cuối năm 2020 là 55 triệu đồng/cây thì giữa năm 2024 là 80 triệu đồng/cây. Để giúp con sớm trả nợ, ông bà quyết định lên thành phố làm giúp việc, bảo vệ để kiếm thêm thu nhập.
Thời gian qua, giá vàng trong nước có những phiên tăng rất mạnh. Lấy ngày cuối tháng 11 để so sánh giá vàng SJC qua các năm 2018, 2019, 2020, 2021 sẽ lần lượt là: 36,38 - 36,56 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); 41,28 - 41,54 (mua vào - bán ra); 55 - 55,47 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); 59,4 - 60,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trong khi đó, sáng 9/4/2024, giá vàng tiếp tục nhảy vọt ở mức cao ngất ngưởng. Giá vàng miếng SJC bất ngờ tăng vọt lên 82,4 triệu đồng/lượng.