VCCI đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết định giá bán xăng dầu

07-02-2023 14:32|Bảo Trâm

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất Bộ Công Thương cân nhắc lựa chọn phương án cho doanh nghiệp được tự quyết giá bán lẻ xăng dầu.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ góp ý về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công Thương soạn thảo.

Trong văn bản, VCCI cho rằng tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu lan rộng trên cả nước trong thời gian qua xuất phát chủ yếu từ phương thức quản lý giá của Nhà nước đặt trong bối cảnh biến động trên thế giới.

Thời gian qua, Bộ Công Thương ngăn chặn tình trạng thiếu xăng bán lẻ bằng cách xử phạt cây xăng đóng cửa. Các cây xăng có thể vì sợ bị phạt mà vẫn chấp nhận mở cửa nhưng cố tình bán nhỏ giọt cho người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng phải xếp hàng mất nhiều thời gian.

Tuy nhiên VCCI cho rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế và chỉ có tác dụng trong ngắn hạn. Nếu tình trạng giá bán thấp hơn chi phí kéo dài thì các doanh nghiệp sẽ không chỉ bán hàng nhỏ giọt trước mắt mà sẽ không đầu tư mới, thậm chí rời bỏ thị trường trong dài hạn. Khi đó, hạ tầng năng lượng của quốc gia sẽ bị xuống cấp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống sinh hoạt của người dân và an ninh năng lượng quốc gia.

Do đó, VCCI lo ngại về tính hợp lý và khả thi của phương án Nhà nước tiếp tục định giá xăng dầu và sửa đổi công thức tính giá để bảo đảm tính đúng, tính đủ, kịp thời các chi phí trong giá cơ sở.

VCCI đề nghị cân nhắc lựa chọn phương án Nhà nước không định giá xăng dầu mà sẽ do cung cầu của thị trường quyết định. VCCI cho rằng giá bán do cung cầu quyết định thì sẽ phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh của thị trường. Nếu thị trường có mức độ cạnh tranh cao thì giá bán sẽ rất sát với chi phí.

Ngược lại, nếu thị trường có ít nhà cung cấp hoặc các nhà cung cấp bắt tay với nhau để nâng giá (thoả thuận hạn chế cạnh tranh) thì giá bán sẽ cao hơn chi phí. Để khắc phục tình trạng này, cần thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường bằng nhiều biện pháp như cho phép mở các cây xăng gần nhau, cho phép các cây xăng nhập hàng từ nhiều nguồn, hạ rào cản gia nhập thị trường xăng dầu và điều tra hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh khi có dấu hiệu.

Mấu chốt vấn đề vẫn là xử lý cơ chế giá bán lẻ xăng dầu

Trong văn bản góp ý, VCCI cũng cho rằng thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp bán lẻ phản ánh tình trạng chiết khấu bán lẻ bằng 0 hoặc thậm chí âm. Điều này khiến các cửa hàng bán lẻ không muốn bán hàng, nhưng buộc phải bán vì nếu không sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt.

"Cần lưu ý rằng, trong trường hợp giá bán lẻ điều hành thấp hơn toàn bộ chi phí của chuỗi cung ứng thì các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sẽ không có động lực để kinh doanh. Nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp buộc phải kinh doanh để cung cấp xăng dầu cho nền kinh tế thì khoản âm chi phí lớn hơn giá bán này chắc chắn sẽ do một chủ thể nào đó trong chuỗi cung ứng gánh chịu", VCCI đánh giá.

Theo VCCI, với cách thiết kế quy định như hiện nay, khi giá bán lẻ điều hành thấp hơn chi phí thì khoản âm này chủ yếu sẽ đổ vào doanh nghiệp bán lẻ bởi doanh nghiệp bán buôn có quyền chủ động giá bán buôn và không bị xử phạt khi ngừng bán hàng. Do đó VCCI khẳng định, mấu chốt vấn đề vẫn là xử lý cơ chế giá bán lẻ xăng dầu.

Do đó, VCCI đề nghị Bộ Công Thương điều chỉnh quy định theo hướng như sau:

- Trong trường hợp Nhà nước không can thiệp vào giá, để cung cầu thị trường quyết định giá, thì không quy định mức chiết khấu bán lẻ tối thiểu.

- Trong trường hợp Nhà nước tiếp tục can thiệp vào giá bán lẻ thì cần đồng thời điều hành chiết khấu tối thiểu (hoặc giá bán buôn tối đa) để bảo đảm đồng bộ cơ chế quản lý.

Bên cạnh đó trong văn bản góp ý, VCCI cũng đề nghị Bộ Công Thương cân nhắc điều chỉnh cho phép cửa hàng bán lẻ được lựa chọn hình thức kinh doanh, có thể làm đại lý hoặc nhận nhượng quyền cho một thương nhân phân phối, hoặc làm có thể lựa chọn hình thức mua đứt bán đoạn.

Trong trường hợp cửa hàng bán lẻ làm đại lý hoặc nhận nhượng quyền thì chỉ được nhập hàng của một thương nhân phân phối. Thương nhân phân phối sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng và giá cả hàng hoá theo quy định pháp luật.

Trong trường hợp cửa hàng bán lẻ lựa chọn hình thức mua đứt bán đoạn thì cho phép nhập hàng của nhiều đơn vị bán buôn. Lúc này, cửa hàng bán lẻ sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng và giá cả của hàng hoá theo quy định của pháp luật…

Giá xăng dầu hôm nay 11/1: cao nhất trong 3 tháng

Vì sao xăng E5 nguy cơ 'chết yểu'?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vcci-de-xuat-cho-doanh-nghiep-tu-quyet-dinh-gia-ban-xang-dau-168377.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    VCCI đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết định giá bán xăng dầu
    POWERED BY ONECMS & INTECH