Vị chính khách lỗi lạc của Việt Nam được mệnh danh là 'nhà kiến tạo hòa bình', người duy nhất trong lịch sử thẳng thừng từ chối nhận giải Nobel
Giải Nobel là nơi tôn vinh tài năng đỉnh cao của các nhà khoa học, thế nhưng đã có một người Việt từ chối nhận giải thưởng danh giá này.
“Hoàn toàn thất bại. Đây là giải thưởng tồi tệ nhất trong lịch sử giải Nobel Hòa bình”, nhà sử học người Na Uy Asle Sveen đã nói như vậy về lần công bố giải Nobel  Hòa bình cách đây nửa thế kỷ. Đó thực sự là một cú sốc.
Giải Nobel duy nhất của Việt Nam bị từ chối
Theo trang lunion.fr, vào ngày 16/10/1973, Ủy ban Nobel Na Uy công bố giải thưởng Nobel Hòa bình được trao chung cho đại diện Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Lê Đức Thọ và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger vì “những nỗ lực của họ trong việc đàm phán ký kết Hiệp định Paris năm 1973, theo đó Mỹ rút quân khỏi Việt Nam”.
Tuy nhiên, ông Lê Đức Thọ từ chối nhận giải với lý do hòa bình vẫn chưa lập lại tại Việt Nam. Còn những người phản đối chiến tranh Mỹ gây ra ở Việt Nam phản đối việc trao giải cho ông Kissinger. Cuộc tranh cãi cũng nổ ra trong nội bộ Ủy ban Nobel. Không hài lòng, hai trong số năm thành viên của Ủy ban này đã từ chức.
Ông Lê Đức Thọ (10/10/1911-13/10/1990) tên thật là Phan Đình Khải, sinh tại xã Nam Vân, TP Nam Định, tỉnh Nam Định. Là một chiến sĩ cách mạng tiêu biểu của Việt Nam thế kỷ XX, ông đã được trao tặng huân chương Sao Vàng, Huân chương Cách mạng tháng Mười (Liên Xô), Huân chương Ăngko (Campuchia)...
Năm 1973, trên con đường thương lượng nhằm mang lại hòa bình thống nhất đất nước cho Việt Nam. Lê Đức Thọ đã có hàng năm trời chạm trán, đấu trí với “con cáo” nước Mỹ lúc bấy giờ là Kissinger. Cả hai đều muốn kết thúc chiến tranh, người Mỹ muốn ra đi trong vinh quang, người Việt muốn hòa bình, thống nhất đất nước. Dĩ nhiên những mong muốn đó đều đặt lên vai hai nhà ngoại giao tài năng ở hai đầu chiến tuyến.
Những gì mà ông Lê Đức Thọ và Kissinger làm được, cả thế giới đều biết đến. Điều đặc biệt, những nhà chính trị thế giới đã phải thốt lên rằng: “Trời đã sinh Kissinger sao còn sinh Lê Đức Thọ”.
Giải Nobel Hòa bình thế giới năm 1973 chắc chắn sẽ trao cho những người đã “đánh nhau” trên bàn đàm phán Paris này. Nhưng trao cho ai: Lê Đức Thọ hay Kissinger…? Cuối cùng Hội đồng chuyên gia của giải thưởng danh giá nhất thế giới này đã chọn cả hai.
Hai cái tên được vinh danh, nhưng chỉ có Kissinger bước lên bục danh dự. Ông Lê Đức Thọ đã từ chối nhận giải thưởng với lý do đơn giản: “Hòa bình thực sự vẫn chưa được lặp lại và ông làm vì dân tộc của ông”.
Giải Nobel Hòa bình gây tranh cãi nhất trong lịch sử
Việc này đã gây ra một cơn “chấn động” trước sự kiên quyết của nhà ngoại giao lỗi lạc Lê Đức Thọ. Ngay lập tức, hàng loạt các trang báo lớn của thế giới đã đưa tin. Một bài viết trên tờ New York Times đăng ngày 24/10/1973 có tựa đề: “Tho Rejects Nobel Prize, Citing Vietnam Situation” (Lê Đức Thọ từ chối giải Nobel Hòa Bình vì cục diện của Việt Nam).
Trong đó có nói ông Lê Đức Thọ đã từ chối nhận giải thưởng với lý do đơn giản: "Hòa bình thực sự vẫn chưa được lặp lại và ông làm vì dân tộc của ông". Ông Lê Đức Thọ nói: "Hòa bình chưa thực sự thiết lập ở miền Nam Việt Nam. Vì thế, tôi không thể nhận giải thưởng này", New York Times trích lời.
"Tôi chỉ có thể "xem xét" nhận giải thưởng khi Hiệp định Paris được tôn trọng, chiến tranh ngừng lại và hòa bình thực sự được thiết lập ở miền Nam Việt Nam", New York Times dẫn lời Trưởng đoàn đàm phán của Hà Nội.
Tuy nhiên, sau đó, ông Lê Đức Thọ đã viết một bức thư giải thích về quyết định của mình gửi cho bà Aase Lionaes, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Nobel của Quốc hội Na Uy năm đó. Trong bức thư không hề nhắc tới người đồng giải thưởng Nobel năm đó với ông Lê Đức Thọ là Kissinger.
Hành động của ông Lê Đức Thọ cho thấy quan điểm đanh thép của Việt Nam, cùng một lập trường nhất quán rằng Hiệp định Paris không phải một thỏa hiệp giữa hai bên mà là một chiến thắng trước Hoa Kỳ. Vì vậy, Việt Nam không thể hài lòng khi đứng chung bậc cùng với người đại diện cho phe mà họ đã đánh bại - Henrry Kissinger.
Cũng trong bức thư ông Lê Đức Thọ trả lời phỏng vấn của nữ phóng viên hãng thông tấn Mỹ UPI Synvana Foa ngày 15/3/1985 mà thư ký của ông – Lưu Văn Lợi có ghi chép lại.
Trong đó, về sự kiện này, ông Lê Đức Thọ nói: "Bây giờ tôi nói về giải thưởng Nobel. Chúng tôi biết, giải thưởng Nobel là một giải thưởng lớn với thế giới. Từ xưa đến nay có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nhưng tại sao tôi không nhận? Tôi không phải có khó khăn như bà nói đâu. Chỉ một điều là ai làm cho hòa bình? Bà biết rằng đây là giải thưởng Nobel cho hòa bình.
Mỹ tiến hành xâm lược đất nước tôi 20 năm. Người chống Mỹ và làm cho Mỹ thất bại, giành độc lập đưa hòa bình cho đất nước và cho cả khu vực này là chúng tôi. Người làm hòa bình là chúng tôi chứ không phải Mỹ.
Trong thư gửi Ủy ban Giải Nobel, tôi đã phân tích kỹ Mỹ tiến hành chiến tranh như thế nào? Nhưng Ủy ban giải đã đặt ngang bằng kẻ xâm lược và người bị xâm lược, giữa kẻ gây chiến tranh và người tạo (làm) hòa bình. Coi chúng tôi cũng như Mỹ. Điều đó là sai lầm và tôi không thể chấp nhận như vậy. Vì vậy tôi đã không nhận giải thưởng Nobel!”
Trái ngược với ông Lê Đức Thọ, Kissinger tuyên bố đồng ý nhận giải thưởng trị giá 510.000 USD khi đó. Điều này đã vấp phải làn sóng chỉ trích từ truyền thông Mỹ, khi tạp chí Time cho rằng "chỉ có Nhà Trắng vui vẻ thông báo điều này" và quyết định của Ủy ban Nobel "đã khơi dậy cơn bão chỉ trích chưa từng có".
Theo giới quan sát, điểm mấu chốt của cuộc tranh cãi về giải Nobel Hòa bình năm 1973 là trong lúc các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn diễn ra, Kissinger và các lãnh đạo Mỹ vẫn cho phép tiến hành chiến dịch rải thảm Hà Nội bằng B-52 và chỉ chịu nhượng bộ sau trận "Điện Biên Phủ trên không". Đây là lý do tờ New York Times gọi giải thưởng năm đó là "Nobel vì Chiến tranh".
Giải Nobel Hòa bình năm 1973 còn gây xáo trộn trong chính Ủy ban Nobel khi hai thành viên không đồng ý trao giải thưởng cho Kissinger đã từ chức để phản đối. Ngày 1/5/1975, Kissinger gửi một bức điện tín tới Ủy ban Nobel để trả lại giải thưởng, nhưng Ủy ban này từ chối.