Vì sao “Đảo quốc sư tử” dẫn đầu dòng vốn FDI vào Việt Nam?
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 38,23 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước giảm 3,0%.
Trong đó, có 3.375 dự án mới với số vốn đăng ký đạt 19,73 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước, tăng 1,8% về số dự án và giảm 7,6% về số vốn đăng ký. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 13,44 tỷ USD, chiếm 68,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 3,72 tỷ USD, chiếm 18,8%; các ngành còn lại đạt 2,57 tỷ USD, chiếm 13,1%.
Trong số 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam năm 2024, Singapore  là nhà đầu tư lớn nhất với 6,26 tỷ USD, chiếm 31,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; ở vị trí thứ 2 là Hàn Quốc 2,89 tỷ USD, chiếm 14,6%; Trung Quốc 2,84 tỷ USD, chiếm 14,4%; Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) 2,17 tỷ USD, chiếm 11,0%.
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước, dẫn đầu là Singapore với tổng số vốn FDI đã đầu tư vào Việt Nam đạt khoảng 9,4 tỷ USD; ở vị trí thứ 2 là Hàn Quốc với 7,2 tỷ USD; Trung Quốc 4,9 tỷ USD; Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) 4,6 tỷ USD.
Singapore rót vốn FDI vào Việt Nam lớn nhất 2024 - Ảnh: Internet |
Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8 hồi giữa năm 2024, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý quỹ UOB Asset Management (Việt Nam), bà Thiều Thị Nhật Lệ cho biết, Việt Nam sở hữu những yếu tố quan trọng mà một nhà đầu tư nước ngoài luôn cân nhắc khi muốn thực hiện đầu tư lâu dài tại một quốc gia.
Thứ nhất, Việt Nam có một nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định trong suốt nhiều năm và triển vọng tăng trưởng trong những năm tới cũng tích cực.
Thứ hai, Việt Nam có một thể chế chính trị ổn định và đối với đầu tư nước ngoài, đây cũng là một yếu tố quan trọng mà họ phải xem xét.
Thứ ba, Việt Nam có nguồn lao động dồi dào với kỹ năng tốt và có giá nhân công cạnh tranh khi so sánh với các quốc gia láng giềng trong khu vực.
Thứ tư, Việt Nam cũng có một vị trí địa lý chiến lược ở trong khu vực này, gần những nền kinh tế lớn của châu Á cũng như gần với Trung Quốc.
Ngoài ra, một yếu tố có vai trò quan trọng không kém, đó là trong những năm qua, Việt Nam đã ký hiệp định thương mại song phương và đa phương với hầu hết những nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. Điều này góp phần thúc đẩy hoạt động giao thương của Việt Nam và thu hút thêm các dòng vốn FDI  vào Việt Nam.
Bà Lệ khẳng định, đây là những yếu tố nền tảng quan trọng giải thích lý do tại sao Việt Nam liên tục thu hút dòng vốn FDI trong suốt những năm qua và trong đó có Singapore.
Singapore là một quốc gia Đông Nam Á, được mệnh danh là “Đảo quốc sư tử”. Singapore là quốc gia có mức độ đô thị hóa rất cao, chỉ còn lại số lượng ít thảm thực vật nguyên sinh.
Quốc gia này là một trong những trung tâm thương mại lớn nhất của thế giới với vị thế là trung tâm tài chính lớn thứ 4 và là một trong 5 cảng biển bận rộn nhất trên toàn cầu.
>>Năm 2024, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội cao kỷ lục 
Nền kinh tế 476 tỷ USD: GDP Việt Nam sắp vượt Thái Lan, Singapore, vào Top 3 Đông Nam Á 
Việt Nam cần bao lâu để quy mô GDP vượt Singapore, Thái Lan và chạm mốc 1.000 tỷ USD?