Bộ Tư pháp Mỹ dẫn nhiều lý do khi kiện Apple vi phạm luật chống độc quyền. Đây là một trong những vụ kiện lớn nhất, mang tính bước ngoặt trong lĩnh vực công nghệ Mỹ.
“Hãy mua iPhone cho mẹ của bạn”.
Đây là phản hồi nổi tiếng của CEO Apple Tim Cook tại hội nghị Code 2022 của tờ Vox khi một phóng viên phàn nàn rằng mẹ của mình không thể xem video mà cô gửi đến điện thoại  Android của bà.
Nó cũng được Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland trích dẫn và chỉ trích mạnh mẽ tại buổi họp báo thông báo Bộ Tư pháp Mỹ khởi kiện Apple. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và 16 tiểu bang cáo buộc Apple lạm dụng bất hợp pháp sức mạnh độc quyền của iPhone trên thị trường smartphone.
"Người tiêu dùng không nên phải trả giá cao hơn vì các công ty vi phạm luật chống độc quyền", Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland cho biết trong một tuyên bố. "Nếu không bị thách thức, Apple sẽ chỉ tiếp tục củng cố vị thế độc quyền smartphone của mình".
Vụ kiện chống lại một trong những công ty lớn nhất thế giới khẳng định Apple đang vi phạm pháp luật khi thiết kế chợ ứng dụng và trải nghiệm khách hàng một cách khéo léo để loại trừ đối thủ cạnh tranh . Apple tuyên bố sẽ phản kháng mạnh mẽ.
“Vụ kiện này đe dọa đến bản sắc của chúng tôi và những nguyên tắc đã khiến các sản phẩm Apple khác biệt trong các thị trường cạnh tranh khốc liệt”, công ty thông báo.
Nếu thành công, Mỹ có thể buộc Apple nới lỏng một số hạn chế trong “khu vườn khép kín” phần cứng và phần mềm. “Táo khuyết” sẽ phải mở cửa iPhone cho các chợ ứng dụng thay thế và công nghệ  như iMessage với Android.
Trong đơn kiện, Bộ Tư pháp Mỹ đã nhấn mạnh 5 cách mà Apple gây bất lợi cho người Mỹ.
Bong bóng màu xanh lá
Với iMessage, Apple tạo ra trải nghiệm nhắn tin nâng cao, cho phép mọi người tương tác liền mạch với người khác, gửi đi các tin nhắn video và âm thanh chất lượng cao với tốc độ nhanh chóng, miễn là bên gửi và nhận đều dùng iPhone.
Khi các tin nhắn này gửi đến người dùng Android, chúng lại tải chậm, thiếu các yếu tố quan trọng như emoji, chức năng chỉnh sửa, mã hóa đầu cuối. “Bong bóng màu xanh lá” phân biệt người dùng Android bên trong iMessage và chất lượng thấp khi gửi tin nhắn giữa Android với iPhone là phi pháp, theo Bộ Tư pháp.
Tổng chưởng lý Garland cho rằng Apple khiến cho việc nhắn tin giữa iPhone và Android khó khăn hơn. Hệ quả là người dùng iPhone nhìn nhận smartphone đối thủ như sản phẩm chất lượng thấp hơn. Apple đã làm như vậy một cách có chủ đích.
Năm 2023, nhà sản xuất iPhone cho biết sẽ áp dụng chuẩn công nghệ giao tiếp mới với Android nhưng không mở tất cả tính năng. Bong bóng màu xanh lá vẫn không biến mất.
Độc quyền Apple Pay
Apple đã giúp cách mạng hóa cách chúng ta trả tiền, gắn thẻ tín dụng với công nghệ bên trong iPhone để thanh toán bảo mật và liền mạch hơn. Apple cũng nhận một phần chi phí từ giao dịch phát sinh.
Tuy nhiên, dẫn lý do bảo mật, Apple không cho ứng dụng bên thứ ba truy cập con chip cho phép iPhone thanh toán di động. Nó cũng có thể trói buộc khách hàng gắn bó với iPhone, theo đơn kiện.
“Apple tước đi lợi ích và đổi mới mà ví bên thứ ba cung cấp cho người dùng”, đơn kiện viết. “Ví kỹ thuật số đa nền tảng sẽ cung cấp một cách thuận tiện hơn, liền mạch hơn và có lẽ bảo mật hơn cho người dùng khi chuyển từ iPhone sang smartphone khác”.
Làm cho smartwatch khác kém hữu ích hơn Apple Watch
Apple Watch, một trong những sản phẩm  thành công nhất của Apple, không tương thích với điện thoại Android – một cách có chủ đích, theo Bộ Tư pháp Mỹ.
Dù các smartwatch khác thường tương thích với mọi smartphone, Apple Watch lại cần có iPhone để hoạt động được. Điều này khóa Apple trong hệ sinh thái phần cứng và phần mềm của Apple, buộc người dùng Apple Watch phải mua iPhone.
“Apple sử dụng smartwatch, một phụ kiện đắt đỏ, để ngăn chặn người dùng iPhone chọn điện thoại khác”, đơn kiện nêu. “Sao chép ý tưởng smartwatch từ các nhà phát triển bên thứ ba, giờ đây Apple lại chặn các nhà phát triển đó sáng tạo và hạn chế Apple Watch với iPhone để chặn đứng tác động tiêu cực đến doanh số iPhone”.
Cấm chợ ứng dụng bên thứ ba
Cách duy nhất để tải ứng dụng iPhone là thông qua chợ App Store độc quyền. Apple từ lâu khẳng định cách tiếp cận này sẽ giúp người dùng an toàn hơn, tránh ứng dụng độc hại, ứng dụng rác.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, hành vi này buộc các ứng dụng phải chịu đựng các hạn chế nặng nề của Apple và chịu mức hoa hồng 30% đắt đỏ, cũng như hạn chế cạnh tranh. Chẳng hạn, Apple cấm chợ ứng dụng game trên đám mây một cách phi pháp trên iPhone. Các công ty muốn stream game cho khách hàng phải tải từng game riêng lẻ lên App Store, ngăn họ tiếp thị và bán công nghệ cho khách hàng.
Hạn chế các siêu ứng dụng
Apple buộc các nhà phát triển ứng dụng phải lập trình riêng cho hệ điều hành của mình, cấm họ dùng ngôn ngữ lập trình chung để mang lại trải nghiệm duy nhất trên mọi thiết bị. Nó ngăn cản các ứng dụng trở thành “siêu ứng dụng”, chạy như nhau dù trên iOS hay Android. Apple cũng hạn chế “mini app”. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, việc “tùy tiện áp đặt yêu cầu độc quyền” đã cản trở đổi mới của người khác.
(Theo CNN)
Sợ 'hao tiền, tốn của', Apple quyết tâm không làm công cụ tìm kiếm như Google 
Chỉ vài ngày nữa Apple sẽ khai tử cùng lúc 3 mẫu iPhone: Điều gì đang xảy ra?