Miễn phí, không bị kiểm duyệt, tin nhắn mã hoá đầu cuối, dễ dàng xoá lịch sử trò chuyện… Telegram được xem là “thiên đường” của tội phạm mạng.
Người dùng ngày càng dịch chuyển dần sang Telegram
Từ năm 2022 trở lại đây, số lượng người dùng Telegram trên thế giới đã tăng theo cấp số nhân. Tháng 3/2024, ông Pavel Durov, CEO của nền tảng này cho biết, số lượng người dùng Telegram đã đạt 900 triệu người trên toàn cầu.
Thống kê của Statista cho thấy, Việt Nam nằm trong top 10 thị trường  ưa chuộng ứng dụng này, với 12 triệu lượt tải năm 2022. Còn theo thống kê của Digital Report đầu năm 2023, 31,5% người dùng Internet tại Việt Nam  ở độ tuổi 16-64 có sử dụng Telegram.
Mặc dù chưa có số liệu mới nhất, nhưng theo các chuyên gia trong ngành, với việc công nghệ Blockchain và đầu tư tiền mã hoá nở rộ tại Việt Nam, khi các chiến dịch marketing lĩnh vực chủ yếu được diễn ra trên Telegram, số lượng người dùng nền tảng này đã tăng lên đáng kể trong năm 2023. Bên cạnh đó, nhiều người dùng Facebook, Zalo hay WhatsApp cũng bắt đầu dịch chuyển dần qua Telegram bởi tính ưu việt của nó.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật của Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam – NCS cho biết, Telegram hiện tại có thể tạo các nhóm trao đổi, tạo các topic trong từng nhóm, số lượng người tham gia nhóm lớn, không có nhiều ràng buộc, giới hạn về mặt kích thước file hay nội dung, tin nhắn, cuộc gọi thực hiện nhanh và chất lượng ổn định và tất cả đều là miễn phí. Đây chính là ưu thế lớn của Telegram so với các ứng dụng khác. Điều này đã thu hút người dùng chuyển dịch sang Telegram ngày một nhiều.
Anh Thành Nguyễn, một người đang làm các dịch vụ mạng xã hội tại TP.HCM cũng chia sẻ, tính bảo mật là một trong những lý do các dự án Blockchain hay nhà đầu tư  tiền mã hoá quyết định chọn Telegram để làm marketing trong thời gian qua. Ngoài ra, các nền tảng như Facebook  hay Zalo không còn được người dùng tin tưởng, bởi họ lo sợ dữ liệu của mình có thể một lúc nào đó sẽ bị kiểm soát. Chính vì thế họ chuyển nhà qua Telegram để trao đổi các thông tin về công việc, cũng như các thông tin “nhạy cảm” cần bảo mật.
“Thiên đường” của tội phạm mạng
Người dùng tăng lên, nhưng đi kèm tỉ lệ thuận với đó là “tệ nạn” trên Telegram cũng tăng lên nhanh chóng theo thời gian, đồng thời nền tảng này cũng là nơi các tội phạm mạng hoạt động mạnh mẽ.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, sở dĩ trên Telegram các “tệ nạn”, đặc biệt là lừa đảo diễn ra một cách công khai và thu hút nhiều người tham gia là do nền tảng này cho phép tạo các hội nhóm số lượng lớn thành viên hoàn toàn miễn phí; nội dung trên Telegram không bị kiểm duyệt; tin nhắn mã hoá đầu cuối; xoá lịch sử (cho tất cả mọi người).
Đồng thời, nền tảng cũng hỗ trợ các giao diện lập trình API, giúp cho các nhà phát triển phần mềm có thể lập trình các phần mềm tương tác với người dùng hay nhóm chat một cách tự động. Nhờ đó, các đối tượng lừa đảo có thể tạo nhiều tài khoản ảo, cò mồi, tham gia tung hứng, đưa thông tin giả, khiến cho người tham gia cảm giác luôn sôi động, có nhiều người kiếm được tiền hoặc giải thưởng. Nhưng thực chất, các đối tượng này cùng một nhóm, sau khi lừa được con mồi thì chúng có thể âm thầm rút đi và xoá hết các nội dung đã trao đổi trước đó.
Cùng quan điểm, anh Trần Thanh Hoàng, một lập trình viên tại TP.HCM cũng cho biết, quá dễ để thực hiện một hành vi lừa đảo hay phạm tội trên Telegram và xoá đi mọi dấu vết sau đó. Đây chính là nguyên nhân các tội phạm mạng xem nền tảng này là “thiên đường” để hoạt động.
“Bạn không thể điều tra được ai đang trò chuyện với mình, vì Telegram cho phép người đó có thể ẩn danh, hoặc kẻ xấu có thể giả mạo một số điện thoại giả ở nước khác để đăng ký tài khoản cũng được. Bên cạnh đó, Telegram cho phép tạo các bot tự động tương tác với người tham gia các nhóm, nên cũng không thể biết ai là người tạo ra nhóm cũng như đang trò chuyện với mình… Và khi mọi việc đã xong, người ta có thể xoá hết tất cả bằng một cú click chuột. Đây chính là tính ưu việt của ứng dụng này, nhưng đồng thời cũng trở thành công cụ ưa thích của tội phạm”, anh Hoàng chia sẻ.
Anh Thành Nguyễn cho biết thêm, sự xuất hiện của tiền mã hoá cũng là một trong những lý do để các tội phạm mạng chọn Telegram để hoạt động, điển hình như buôn bán dữ liệu cá nhân hay các công cụ phần mềm phát tán mã độc.
“Chỉ cần viết ra một con bot để bán hàng, mọi thứ đều được thực hiện tự động. Người dùng muốn mua các dữ liệu cá nhân hay các phần mềm phát tán mã độc, chỉ cần gõ các dòng lệnh là hoạt động mua bán sẽ diễn ra. Bên cạnh đó, các giao dịch này được trả bằng tiền mã hoá như Bitcoin hay USDT, nên việc để tìm ra các đối tượng này đối với các cơ quan chức năng là một điều vô cùng khó”, anh Thành nói.
Bài 3: Đến lúc cần quản chặt các dịch vụ xuyên biên giới như Telegram
Telegram báo lãi sau 11 năm thành lập 
Bắt 2 kẻ chủ mưu trong đường dây buôn 1 tấn pháo lậu