Ông đã nêu một tấm gương sáng, là một vị thân vương chăm học, một vị Quốc công Tiết chế tài ba, nhà quân sự lỗi lạc...
Trần Hưng Đạo  tên thật là Trần Quốc Tuấn, ông là một nhà chính trị, nhà quân sự, tôn thất hoàng gia Đại Việt thời Trần. Ông được biết đến trong lịch sử Việt Nam với việc chỉ huy quân đội đánh tan ba cuộc xâm lược của quân Mông - Nguyên thế kỷ XIII.
Vị tướng khai sinh ra nền khoa học quân sự thuần Việt
Trần Quốc Tuấn sinh ra tại hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường( nay thuộc phường Lộc Vượng, TP. Nam Định). Từ thuở nhỏ, ông đã có tướng mạo phi thường, thông minh hơn người, được rèn đúc kỹ càng, ai cũng khen là bậc kỳ tài, ngày sau ắt kinh bang tế thế. Lớn lên, Trần Quốc Tuấn, càng thông minh xuất chúng, đọc rộng biết nhiều, văn võ song toàn.
Ông là người có đạo đức tiêu biểu của một vị chủ tướng, luôn nêu tấm gương sáng ngời về lòng trung nghĩa, tinh thần biết dựa vào sức mạnh của dân trong cả nước, biết gạt bỏ hiềm khích riêng tư, luôn lấy đại nghĩa làm trọng để đoàn kết tôn thất, triều đình và tướng lĩnh, nêu cao tinh thần "quyết chiến" không sợ kẻ thù hung bạo.
Trong thời kỳ trước, mọi tướng lĩnh của các triều đại nước Việt ta đều theo các bộ binh thư của Trung Hoa như Tôn - Ngô hay Lục Thao Tam Lược. Chúng đều chứa đựng nhiều cao kiến xuất sắc nhưng chưa phù hợp với địa hình, khí hậu và dân tộc Việt trong các cuộc chiến tranh vệ quốc.
Tác phẩm "Binh Thư Yếu Lược" của Trần Quốc Tuấn đã khai sinh ra một nền khoa học quân sự  thuần Việt, đậm nét nghệ thuật và khoa học cầm quân mang bản sắc dân tộc sâu sắc.
Khi đề ra hình mẫu của người làm Tướng, Trần Quốc Tuấn phát xuất từ tư tưởng nhân nghĩa. Lòng trắc ẩn, tình yêu thương theo ông mới đúng là mục đích cao cả nhất của đời binh nghiệp, dù là binh sĩ hay Đại tướng đều phải thấu suốt cái chính nghĩa này.
Trong ba cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên. Ông đã chọn đúng người, đúng việc, tin tưởng và chuyển tải niềm tự tin đó đến với mọi người, dù đó là binh sĩ, dù đó là tướng lĩnh, thậm chí đến Thái Thượng hoàng hay Hoàng đế  cũng được ông chuyển tải niềm tự tin ấy mới có thể vững vàng trước thử thách của non sông.
Trần Hưng Đạo đã huấn luyện quân đội ngày càng tinh nhuệ và chủ trương của ông là một chủ trương rất tiến bộ. Giá trị câu nói của ông lúc sinh thời vẫn còn bất diệt với non sông, đó là “binh quý hồ tinh bất quý hồ đa”, nghĩa là “binh quý ở chỗ tinh nhuệ chứ không phải ở số đông”. Chủ trương đó thật sự đúng đắn, đã phát huy được tác dụng to lớn trong sự nghiệp bảo vệ độc lập thế kỷ XIII.
Nghệ thuật quân sự trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên là đỉnh cao của nghệ thuật chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta trong thời đại phong kiến. Người đề ra và vận dụng thiên tài chiến lược, chiến thuật chiến tranh nhân dân đó không ai khác là Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn.
Lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc ta, đã xuất hiện hình thái thế trận của dân chúng đánh giặc ở khắp các xóm làng, kết hợp chiến đấu của quân triều đình với quân các lộ và dân binh, tiêu diệt địch trong những trận lớn, xây dựng một thế trận rộng mà sâu, mạnh mà vững, luôn luôn chủ động, luôn luôn tiến công, tạo nên sức mạnh to lớn, chiến thắng quân thù.
Sau khi đã biên soạn binh pháp thì trong huấn luyện quân đội, Trần Hưng Đạo đã tìm đủ mọi cách để kích lệ tinh thần của quân sĩ. Và tác phẩm nổi bật nhất của ông trong lĩnh vực này chính là bài “Hịch Tướng Sĩ”.
Vị tướng vĩ đại bậc nhất của thế giới
Với tài năng chính trị và quân sự kiệt xuất, tấm lòng tận trung với nước, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng với quân dân và triều đình nhà Trần đã bảo vệ vững chắc độc lập, đưa nước Đại Việt đạt đến đỉnh cao của nền thịnh trị thời phong kiến và có uy tín lớn trong vùng. Công lao to lớn này đã đưa Trần Quốc Tuấn lên hàng một thiên tài kiệt xuất, một anh hùng dân tộc vĩ đại.
Dưới trướng của Trần Hưng Đạo, nhiều bậc hiền tài đã hết lòng phò vua, giúp nước như Trương Hán Siêu, Trần Thì Kiến, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Chế Nghĩa, Yết Kiêu, Dã Tượng…
Do công lao to lớn của mình, Trần Hưng Đạo được vua Trần phong là Quốc Công Tiết chế Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương hay là Đức Thượng Từ. Vua Trần Anh Tông phong ông là Đức Thượng Phụ Thượng Quốc Công Bình Bắc đại nguyên soái Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương.
Ông đã được các vua Trần phong làm Đại Vương và lập đền thờ khi còn sống tại Vạn Kiếp gọi là Sinh từ. Thượng hoàng Trần Thánh Tông đích thân soạn văn bia ca ngợi công đức của Hưng Đạo Vương, gọi là Sinh bi.
Ngày 20/8 năm Canh Tý 1300, ông mất tại phủ đệ Vạn Kiếp, triều đình tiến phong “Thái sư Thượng phụ Thượng Quốc công Nhân vũ Hưng Đạo Đại Vương.” Nhân dân Đại Việt suy tôn ông là Đức Thánh Trần Cửu Thiên Vũ Đế, lập đền thờ ngay trên nền vương phủ gọi là đền Kiếp Bạc để tưởng nhớ công lao to lớn của ông đối với non sông, đất nước.
Trải qua hơn 7 thế kỷ, đến nay, tư tưởng giữ nước lấy dân làm gốc cùng tri thức quân sự, cách dùng người và lòng trung quân ái quốc của Hưng Đạo Đại Vương vẫn là bài học sâu sắc đối với các thế hệ hôm nay và mai sau.
Tên tuổi của Hưng Đạo Vương vang lừng không chỉ trong nước mà còn lan ra toàn thế giới. Tháng 2/1984, tại Hội đồng khoa học Hoàng gia Anh, ông được bầu chọn trong danh sách 10 vị tướng vĩ đại nhất của thế giới.
Năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã ghi tên ông trong danh sách 14 vị anh hùng tiêu biểu nhất trong lịch sử Việt Nam.
Quốc công Tiết chế Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn là người có tài năng quân sự tuyệt vời. Đại tướng Võ Nguyên Giáp  nhận xét: "Tài năng của Trần Quốc Tuấn biểu hiện ở sự nhận thức rất rõ dân ta là nguồn sức mạnh giữ nước. Nguồn sức mạnh đó phải được xây dựng, bồi dưỡng lâu dài trong thời bình cũng như trong thời chiến, bằng nhiều chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội."
>> 'Ngũ hổ tướng' Việt Nam tài giỏi sánh ngang 5 mãnh tướng thời Tam Quốc