Nhấn mạnh vai trò quan trọng của Viện Chiến lược TT&TT trong việc đưa Bộ TT&TT trở nên xuất sắc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu Viện cần nâng tầm, làm những việc mới, việc cao hơn, mang lại nhiều giá trị cho ngành.
“Tổng chỉ huy” công tác chiến lược của Bộ
Ngày 6/3, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác của Bộ TT&TT đã làm việc với Viện Chiến lược TT&TT. Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Phan Tâm cùng lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT.
Viện Chiến lược TT&TT (tiền thân là Viện Chiến lược Bưu chính, Viễn thông và CNTT) đã có 20 năm hình thành và phát triển. Viện cũng là đơn vị chủ trì nghiên cứu, soạn thảo nhiều chiến lược, quy hoạch, đề án, kế hoạch để định hướng phát triển ngành TT&TT, với chủ yếu là các chiến lược, quy hoạch chung và có tính khái quát cho toàn ngành.
Trong 5 năm gần đây, Bộ TT&TT có sự thay đổi về xây dựng chiến lược, khi tập trung vào chiến lược chuyên sâu của từng lĩnh vực. Từ năm 2020 đến tháng 1/2024, đã có 7 chiến lược chuyên sâu được ban hành, gồm chuyển đổi số quốc gia, chính phủ số, kinh tế  số và xã hội số, an toàn an ninh mạng, bưu chính, chuyển đổi số báo chí, dữ liệu số . Từ nay đến hết năm 2025, Bộ TT&TT dự kiến xây dựng và trình tiếp 3 chiến lược quốc gia về blockchain, công nghiệp bán dẫn và phát triển hạ tầng số .
Hầu hết các chiến lược chuyên sâu kể trên đã và đang được giao cho các cơ quan chuyên môn chủ trì xây dựng. Đơn cử, chiến lược phát triển hạ tầng số do Cục Viễn thông chủ trì, còn Cục Công nghiệp ICT chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng chiến lược công nghiệp bán dẫn.
Trong bối cảnh thay đổi đó, Viện Chiến lược TT&TT được định hướng nâng tầm, trở thành tổ chức hướng dẫn các đơn vị khác về cách làm chiến lược. Dạy người khác làm chiến lược thì có tầm cao hơn, có giá trị hơn là viết chiến lược – đó là nhận thức mới mà Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng muốn Viện Chiến lược TT&TT thay đổi. Theo đó, thông qua việc hướng dẫn, đánh giá và cầm nhịp công tác xây dựng và triển khai các chiến lược của ngành, Viện Chiến lược TT&TT phải vượt lên, giữ vai trò ‘tổng chỉ huy’ công tác chiến lược của Bộ.
Viện Chiến lược TT&TT cũng được giao nhiệm vụ quản lý, giám sát việc thực thi các chiến lược, quy hoạch của ngành; Tổng kết, đánh giá để đề xuất điều chỉnh chiến lược nhằm đảm bảo thực thi hiệu quả.
Để làm được nhiệm vụ trên, Bộ trưởng yêu cầu Viện Chiến lược tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu  theo dõi, giám sát, quản lý việc thực thi các chiến lược, quy hoạch, cơ chế chính sách của ngành. Cơ sở dữ liệu về chiến lược phải được tổng hợp, đồng bộ với dữ liệu thu thập từ những nguồn trong nước và quốc tế  liên quan, để các đơn vị mỗi khi làm chiến lược, có thể tra cứu, tìm kiếm trong cơ sở dữ liệu này.
>> Việt Nam có quan hệ chiến lược với các cường quốc bán dẫn 
Làm những việc giá trị, ở tầm cao hơn để trở nên xuất sắc
Trao đổi tại buổi làm việc, nhiều ý kiến tâm huyết, đặc biệt là của những người từng giữ cương vị lãnh đạo tại Viện Chiến lược TT&TT, đã đề xuất Viện cần chuyển hướng, tập trung làm làm các nghiên cứu chuyên sâu về những vấn đề lớn, giải quyết những vướng mắc trong ngành.
Là người trực tiếp phụ trách Viện Chiến lược TT&TT, Thứ trưởng Phan Tâm thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, đồng thời đề nghị Viện phải xác định rõ thế mạnh, lợi thế nổi trội của mình để có chuyển đổi, thích ứng kịp thời trong giai đoạn mới, từ đó nâng cao vị trí, vai trò của Viện trong Bộ, ngành.
Sau khi phân tích và nhận xét về các góp ý tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chỉ rõ, Viện Chiến lược muốn trở thành đơn vị xuất sắc thì phải tìm những việc mới, có giá trị, phải có cách làm mới cho những việc đã và đang thực hiện.
Nêu ra những dẫn chứng cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã gợi mở hàng loạt việc để Viện Chiến lược TT&TT có không gian phát triển mới, ‘vượt lên trên tầm chiến lược’. Đó là, nghiên cứu hình thành cơ sở lý luận cho những lĩnh vực của ngành; hướng dẫn cụ thể các địa phương các việc cần làm để thực thi chiến lược của trung ương; nghiên cứu và đề xuất chính sách thúc đẩy phát triển các lĩnh vực; thiết lập quan hệ hợp tác quốc tế với viện chiến lược của các nước; tổ chức ở Việt Nam  các hội thảo quốc tế về những vấn đề lý luận, chiến lược của ngành...
Trước những định hướng, gợi mở của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ông Trần Minh Tân - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược TT&TT cam kết sẽ cùng tập thể Viện nhận thức rõ tầm nhìn, sứ mệnh của đơn vị trong hành trình mới, từ đó thay đổi, triển khai những việc mới và thực hiện các việc đang làm theo cách mới.
>> Sự cố trên tuyến cáp quang biển quốc tế AAE-1 đã có lịch sửa
Cục Thông tin cơ sở cần vận dụng sáng tạo cách tiếp cận, thông tin tới người dân 
Bộ trưởng là người quyết định 70% thành công chuyển đổi số ở một bộ