Việt Nam chính thức hoàn thành tu bổ Trường dạy làm báo do đích thân Bác Hồ đặt tên, là cơ sở đào tạo đầu tiên của báo chí cách mạng
Đây là sự tôn vinh xứng đáng đối với những người làm báo trên cả nước, góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền và giáo dục lịch sử.
Ngày 9/8, tại xã Tân Thái (Thái Nguyên), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức lễ khánh thành và bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo Di tích  Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Công trình này được xây dựng để chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9, đồng thời đánh dấu sự kiện mở đầu trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Cách đây 75 năm, vào ngày 4/4/1949, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được thành lập tại thôn Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên và duy nhất của báo chí cách mạng Việt Nam  trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trường ra đời là dấu mốc đặc biệt gắn liền với chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tên trường do Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn đặt. Người đặc biệt quan tâm và hai lần viết thư động viên tinh thần dạy và học của thầy và trò. Người căn dặn: “Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô, thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: Tất cả để chiến thắng!” .
Ngày 28/3/2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1182/QĐ-BVHTTDL, chính thức xếp hạng Di tích Quốc gia  cho địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Để tôn vinh giá trị lịch sử này, ngày 4/4/2019, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức lễ khánh thành Bia Di tích.
Vào ngày 18/01/2024, nhân kỷ niệm 75 năm thành lập, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan liên quan khởi công công trình tu bổ và tôn tạo di tích này. Sau gần 7 tháng thi công, công trình đã hoàn thành, đáp ứng cả về kỹ thuật lẫn mỹ thuật.
Với việc khánh thành và bàn giao công trình tu bổ, Di tích lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng không chỉ giữ vững giá trị lịch sử to lớn mà còn bổ sung thêm một điểm đến ý nghĩa trên bản đồ báo chí Việt Nam hiện đại. Đây cũng là sự tôn vinh xứng đáng đối với những người làm báo trên cả nước, góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền và giáo dục lịch sử.