Thế giới

Việt Nam chung 1 thị thực với 5 quốc gia khác, cơ hội vàng cho ngành du lịch?

Quỳnh Vân 03/07/2024 - 15:57

Việc triển khai thị thực chung cho du lịch Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, đặc biệt là trong việc thúc đẩy ngành du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài.

Trong những tháng gần đây, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã nhiều lần thảo luận về đề xuất áp dụng thị thực chung cho khu vực Đông Nam Á, bao gồm Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar.

"Vùng du lịch chung" Đông Nam Á

Theo số liệu thống kê chính thức, sáu quốc gia kể trên đã đón tổng cộng 70 triệu lượt khách du lịch quốc tế vào năm 2023. Trong đó, Thái Lan và Malaysia đóng góp hơn 50% tổng doanh thu du lịch, đạt khoảng 48 tỷ USD.

Nhận thấy tiềm năng to lớn của ngành du lịch khu vực, Thủ tướng Srettha Thavisin đã đề xuất ý tưởng này để thúc đẩy khả năng di chuyển liền mạch cho du khách giữa 6 quốc gia Đông Nam Á.

TS. Nuno F. Ribeiro - giảng viên cấp cao ngành quản trị du lịch và khách sạn, khoa Kinh doanh của trường Đại học RMIT (Việt Nam) - cho biết thị thực chung nhằm mục đích hợp lý hóa các quy định về thị thực và tạo ra một thị thực duy nhất cho các quốc gia này.

Được biết sáng kiến ​​này là một phần trong xu hướng chung về hợp tác và hội nhập trong ASEAN, như đã được nêu trong Diễn đàn Tương lai ASEAN diễn ra tại Hà Nội vào tháng 4/2024.

Việt Nam chung 1 thị thực với 5 quốc gia khác, cơ hội vàng cho ngành du lịch?
Đông Nam Á có thể sẽ có một thỏa thuận thị thực chung. Ảnh: East Asia Forum

Tương tự như thị thực Schengen của châu Âu, TS. Nuno F. Ribeiro nói rằng thị thực chung được đề xuất sẽ cho phép công dân nước ngoài đến thăm tất cả 6 quốc gia bằng một thị thực duy nhất và di chuyển giữa các quốc gia này trong thời hạn thị thực.

Một nghiên cứu do Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc (UNWTO) thực hiện ước tính rằng việc đơn giản hóa quy trình cấp thị thực sẽ tăng đáng kể lượng du khách quốc tế đến ASEAN, cũng như doanh thu từ du lịch và tạo việc làm.

Nghiên cứu này dự đoán lượng khách quốc tế sẽ tăng từ 3 - 5,1%, doanh thu du lịch tăng 2,8 - 4,7% và số việc làm tăng 1,6 - 3,1%.

Lợi ích gì cho Việt Nam?

Trong số 6 quốc gia trên, Việt Nam được cho là một trong những nước có nhiều khả năng được hưởng lợi nhất từ ​​loại thị thực khu vực này.

TS. Nuno F. Ribeiro nhận định, một trong những lợi ích chính của Việt Nam là tiềm năng thúc đẩy du lịch. Cụ thể, thỏa thuận này dự kiến ​​sẽ tăng số lượng khách du lịch quốc tế, đặc biệt là từ các thị trường có thu nhập cao và khoảng cách địa lý xa như châu Âu và Bắc Mỹ - những người có thể chọn đến thăm Việt Nam như một phần trong kế hoạch du lịch Đông Nam Á của họ.

Điều này sẽ giúp gia tăng doanh thu từ khách du lịch, tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn và thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài, góp phần thúc đẩy ngành du lịch và nền kinh tế nói chung của Việt Nam.

Để chuẩn bị và sẵn sàng tận dụng các cơ hội mà thị thực chung mang lại, TS. Nuno F. Ribeiro cho rằng Việt Nam cần thực hiện một số bước như thiết lập các hiệp định song phương và đa phương với các nước ASEAN cũng như các quốc gia khác.

Việt Nam chung 1 thị thực với 5 quốc gia khác, cơ hội vàng cho ngành du lịch?
Một thị thực chung cho Đông Nam Á có tiềm năng tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế và ngành du lịch của Việt Nam. Ảnh: Vietnam Insider

Theo ông, Việt Nam và các nước tham gia khác nên xác định khung pháp lý, giải quyết các mối lo ngại chung về an ninh và giám sát, đồng thời đảm bảo tính tương thích của chính sách thị thực.

Những quốc gia tham gia phải đồng ý với các quy tắc nhập cảnh chung dành cho du khách đến từ nước thứ 3 và điều chỉnh các chính sách nhập cư dành cho du khách quốc tế. Họ cũng phải hài hòa hóa cơ sở hạ tầng công nghệ và bảo mật của mình.

Nếu việc áp dụng thị thực chung trở thành hiện thực, Việt Nam cần chuẩn bị cho tiềm năng lượng khách du lịch quốc tế tăng cao. Điều này đồng nghĩa với việc các cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông cần được nâng cấp, tập trung vào phát triển mạng lưới kết nối các phương thức vận tải khác nhau và cùng một phương thức vận tải.

Bên cạnh đó, TS. Nuno F. Ribeiro lưu ý thêm rằng Việt Nam cũng nên sửa đổi các thủ tục nhập cảnh và an ninh mạng cũng như đào tạo và nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực.

Mặc dù một số vấn đề cần được xem xét trước mắt và những hạn chế khác, nhưng các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách vẫn rất lạc quan về tiềm năng của sáng kiến ​​này.

TS. Nuno F. Ribeiro bình luận: “Thời gian thực hiện hóa sáng kiến được cho là 2 năm, còn xét trên phương diện thực tế hơn thì có thể mất đến 5 năm. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển và tầm quan trọng của ngành du lịch, mọi thứ có thể tiến triển nhanh hơn”.

Với kế hoạch chiến lược và hợp tác với các thành viên ASEAN, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế của sáng kiến ​​thị thực chung này để thúc đẩy ngành du lịch và nâng cao vị thế là điểm đến du lịch hàng đầu trong khu vực.

Theo TS. Nuno F. Ribeiro, RMIT Edu

>> Tăng 1.200% để rồi giảm 40% chỉ trong vài tháng, một cổ phiếu khiến TTCK lớn nhất Đông Nam Á rung chuyển

Né ‘đòn giáng’ của EU vào xe điện Trung Quốc, BYD mở nhà máy hơn 480 triệu USD tại láng giềng Việt Nam

Nhà máy chip 'khủng' của Intel tại Việt Nam có tân 'thuyền trưởng'

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/viet-nam-chung-1-thi-thuc-voi-5-quoc-gia-khac-co-hoi-vang-cho-nganh-du-lich-240902.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Việt Nam chung 1 thị thực với 5 quốc gia khác, cơ hội vàng cho ngành du lịch?
    POWERED BY ONECMS & INTECH