Việt Nam có 1 'kho báu dưới nước' lớn thứ 2 thế giới, thu về gần 700 triệu đô chỉ trong 3 tháng
Đây là mặt hàng được coi như "kho báu dưới nước" ở Việt Nam, là nguồn cung hàng đầu thế giới.
Tại Việt Nam, tôm là loại mặt hàng phổ biến, được bán đầy chợ. Đây cũng là một trong những loại "kho báu  dưới nước", giúp Việt Nam trở thành "ông trùm" nguồn cung trên thế giới.
Theo thông tin từ Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), ở giai đoạn năm 2010-2023, diện tích nuôi tôm nước lợ ở Việt Nam đạt từ 644.000-737.000ha. Việt Nam là quốc gia chuyên xuất khẩu tôm đến 5 thị trường lớn là Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc... Tổng thị trường nhập khẩu tôm ở Việt Nam lên đến 100 quốc gia. Điều này khiến Việt Nam trở thành nguồn cung tôm lớn thứ 2 thế giới, "vượt mặt" nhiều thị trường khác. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nước ta đã thu được 686 triệu USD từ mặt hàng tôm trong quý I/2024, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Theo VASEP, từ đầu năm nay, xuất khẩu tôm của Việt Nam càng có thêm những tín hiệu tích cực. Lý do là bởi các thị trường chính đều tăng nhập khẩu, giúp tôm Việt Nam có nhiều cơ hội hơn.
Trong quý I/2024, Mỹ, Nhật Bản, EU là 3 thị trường nhập khẩu tôm từ Việt Nam nhiều nhất. Trong đó, người tiêu dùng Nhật Bản có những yêu cầu đặc biệt về sản phẩm: ngon, bổ, đẹp mắt và chế biến tinh xảo. Những tiêu chuẩn này dù cao nhưng vẫn phù hợp với truyền thống ẩm thực và kỹ năng chế biến của Việt Nam. Thêm vào đó, vị trí địa lý thuận lợi và hệ thống thanh toán an toàn càng tạo điều kiện thuận lợi cho tôm Việt Nam thâm nhập thị trường này.
Từ những ngày đầu những năm 1990, ngành tôm Việt Nam đã trải qua một quá trình chuyển mình mạnh mẽ và đạt được những thành tựu đáng kể. Không chỉ mở rộng quy mô sản xuất, ngành tôm còn không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng các công nghệ hiện đại trong quản lý và truy xuất nguồn gốc, đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường trong suốt toàn bộ chuỗi cung ứng, từ khâu sản xuất giống đến chế biến và xuất khẩu. Nhờ đó, tôm Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên thị trường quốc tế.
Hiện tại, xu hướng tiêu dùng toàn cầu đang ngày càng chuyển dịch sang các nguồn protein từ thủy sản, thay cho protein từ động vật. Điều này mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu  tôm Việt Nam, trở thành 1 ngành được ưu tiên so với nhiều ngành. Theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích nuôi tôm năm 2024 sẽ được duy trì ở mức tương đương năm trước, đồng thời đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt từ 4-4,3 tỷ USD, cho thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của ngành trong thời gian tới.
Tôm sú và tôm chân trắng trở thành mặt hàng giúp Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển ngành tôm. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nuôi tôm chính trên cả nước, điển hình là ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre. Tôm không chỉ là mặt hàng đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu hàng Việt Nam mà còn giúp nhiều người dân vùng nuôi tôm có thu nhập ổn định, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Ngày nay, nhiều mô hình kỹ thuật mới như sử dụng ao lót bạt được áp dụng trong việc nuôi tôm, giúp giảm phát thải khí nhà kính, ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe người lao động. Không chỉ giảm chi phí đầu tư, nuôi tôm theo kỹ thuật mới còn giúp tốm sinh trưởng nhanh, có tỷ lệ sống cao, ít mắc dịch bệnh. Nuôi tôm giúp bà con thu năng suất 16 tấn/ha/vụ, thu nhập đạt 1,6 tỷ đồng/ha.