'Kho báu' bên trong khu rừng đỗ quyên quý hiếm nhất Việt Nam, được người dân thay nhau canh giữ, bảo vệ
Dù chưa được nhiều người biết đến nhưng khu rừng đỗ quyên này đang nắm giữ những "kỷ lục" ít nơi có được và đang dần được khai phá.
Ngự trị trên đỉnh K'Lang (thuộc thôn Abanh 2, xã Tr'hy, huyện Tây Giang, Quảng Nam) ở độ cao 2.005m là quần thể đỗ quyên  cổ thụ khổng lồ. Như một vương quốc riêng biệt, đây là nơi sinh sống của hơn 435 cây đỗ quyên hàng trăm năm tuổi, được công nhận là Cây Di sản  Việt Nam.
Khu rừng này được coi như báu vật của người Cơ Tu và là một trong số ít rừng đỗ quyên nguyên sinh, còn lại ở Việt Nam.
Cả khu rừng trải dài trên diện tích 450ha với hai loài đỗ quyên chính: loài lá rộng và loài lá kim. Hai loài này sống xen kẽ nhau, mà không một loài cây nào khác có thể chen vào được. Hoa đỗ quyên ở đây có đầy đủ màu từ trắng, trắng pha hồng, tím, đỏ.
"Vương quốc" đỗ quyên trên đỉnh K'lang được ví như một phiên bản Avatar ngoài đời thực. Nơi đây là định nghĩa hoàn hảo nhất về một khu rừng có vẻ đẹp ma mị và cổ tích.
Để lên được rừng đỗ quyên, bạn cần trải qua một chặng đường dài, men qua những gốc cây cổ thụ, cành đổ xuống mặt đất bám đầy rêu xanh. Ở độ cao hơn 2.000m, thiên nhiên nơi đây quanh năm được bao phủ bởi mây phủ và sương mù.
Nếu bạn đang đứng ở một khu rừng toàn cây đỗ quyên khẳng khiu hướng thẳng lên trời để đón ánh sáng, có thể vài bước chân tới, bạn sẽ lạc vào một mê cung với hình ảnh như trong rừng ma. Quần thể đỗ quyên có hình ảnh thân cây khác nhau do thay đổi về hướng gió, độ cao, khí hậu ngay trong một vùng phân bố.
Từ tháng 2, khi những cánh hoa đỗ quyên bung nở rực rỡ, cả khu rừng như khoác lên mình chiếc áo mới nhiều màu sắc. Sự giao thoa của hai miền khí hậu Đông và Tây đã tạo nên một bức tranh đa dạng về màu sắc hoa, từ trắng tinh khôi đến tím mộng mơ, đỏ rực rỡ.
Hệ sinh thái trong rừng vẫn còn giữ được vẻ nguyên sơ, chưa hề bị bàn tay con người tác động nhiều. Đồng bào Cơ Tu xem rừng như một người bạn, họ bảo vệ rừng bằng cả tấm lòng, gìn giữ cho thế hệ mai sau một di sản thiên nhiên vô giá. Với họ, rừng là nơi sinh sống, là nguồn cung cấp dược liệu và là một phần không thể thiếu trong tín ngưỡng.
Ở giữa rừng, có một thung lũng nhỏ là nơi sinh sống của vài hộ dân Cơ Tu. Họ coi việc bảo vệ rừng như sinh mạng với tâm niệm "còn rừng thì còn người Cơ Tu mà mất rừng thì người Cơ Tu cũng mất". Hàng ngày, người dân chỉ lấy từ rừng những thứ cần để phục vụ cho sinh hoạt.
Để bảo vệ khu rừng thiêng liêng này, người Cơ Tu đã thành lập các tổ chức tự quản, cử thanh niên trai tráng canh giữ không cho người ngoài vào rừng, ai phá rừng sẽ bị nghiêm trị theo pháp luật và lệ làng. Nhờ vậy, hệ sinh thái trong rừng vẫn còn nguyên vẹn, các loài động vật hoang dã sinh sống bình yên.
Cùng với rừng Lim và Pơ Mu , rừng đỗ quyên cũng là một trong những điểm đến đang được chính quyền huyện Tây Giang từng bước khai thác, đón khách tham quan du lịch, chủ yếu là hoạt động trekking.