Khu rừng nguyên sinh của Việt Nam được thế giới xếp hạng quý hiếm nằm ở ‘thiên đường du lịch biển đảo’
Nơi đây được ví như một viên ngọc xanh giữa vùng đất ngập nước ở Đông Nam Á bởi vẻ đẹp nguyên sinh và sự đa dạng về mặt sinh thái.
Nằm sát theo vịnh Thái Lan, cách thành phố Rạch Giá khoảng 65km về hướng Tây Nam, Rừng U Minh  hiện lên như một bức tranh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, níu chân du khách bởi vẻ đẹp độc đáo và hệ sinh thái đa dạng. Nơi đây được mệnh danh là "lá phổi xanh" của Nam Bộ, đồng thời là khu dự trữ sinh quyển quan trọng của Việt Nam, sở hữu diện tích rộng lớn lên đến 2.000km².
Rừng U Minh được phân thành hai phần chính: Vườn Quốc gia U Minh Thượng và Vườn Quốc gia U Minh Hạ, được chia cắt bởi sông Trẹm và sông Cái Tàu.
‘Kho báu sinh học’ U Minh Thượng
Nằm ở phía Tây bán đảo Cà Mau, tiếp giáp với dãy rừng ngập mặn ven vịnh Thái Lan, U Minh Thượng nổi tiếng là khu rừng ngập nước phèn đặc biệt, không chỉ của Việt Nam mà còn được công nhận vào danh sách các khu rừng độc đáo và quý hiếm trên thế giới.
Với giá trị đặc biệt về mặt sinh thái và đa dạng sinh học, U Minh Thượng đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thứ 5 tại Việt Nam. Khu dự trữ này cũng là khu dự trữ lớn thứ hai trong số 8 Khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam, chỉ sau Khu dự trữ sinh quyển ở phía Tây tỉnh Nghệ An.
Trong hệ sinh thái rừng úng phèn của Đồng bằng sông Cửu Long , chỉ còn duy nhất hệ thực vật rừng của vùng lõi thuộc Vườn Quốc gia U Minh Thượng có những đặc điểm của rừng cực đỉnh nguyên sinh. Đó là các ưu hợp rừng tràm hỗn giao và rừng tràm trên đất than bùn, với diện tích gần 3.000ha. Đây cũng là căn cứ của cách mạng trong thời kỳ kháng chiến. Với đặc điểm này, Vườn quốc gia U Minh Thượng là một trong hai khu vực quan trọng nhất của rừng đầm lầy than bùn còn lại ở Việt Nam (khu vực khác là U Minh Hạ).
U Minh Thượng sở hữu đa dạng sinh học nhất về các loài thực vật ở đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây được mệnh danh là "vườn thực vật hoang dã" với hơn 254 loài thực vật thuộc 84 họ, trong đó có nhiều loài đặc hữu quý hiếm như phong lan đất, bèo nhọn, cây dương xỉ,... Đặc biệt, khu bảo tồn còn lưu giữ 8.053ha rừng nguyên sinh, trong đó có 3.000ha có tuổi đời lên đến 6.000 năm, với thảm thực vật dày đặc từ 0,3 đến 1,5m.
Hệ động vật tại U Minh Thượng cũng không kém phần đa dạng với 32 loài thuộc 10 họ, 7 chi. Nổi bật là 7 loài dơi và 10 loài quý hiếm được ghi nhận trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới, bao gồm rái cá mũi lông, mèo cá, cầy vòi hương, sóc Finlayson, tê tê Java,... Bên cạnh đó, khu bảo tồn còn là nơi sinh sống của 188 loài chim thuộc 39 họ, 12 chi, chiếm 16,6% tổng số loài chim được ghi nhận tại Việt Nam.
Trong số này, 12 loài có giá trị bảo tồn cao và 8 loài đang bị đe dọa trên toàn cầu như bồ nông chân xám, chim già sói, cò quắm đầu đen,... Hệ sinh thái nước tại U Minh Thượng cũng vô cùng phong phú với 54 loài bò sát lưỡng cư, 34 loài cá, trong đó có 2 loài quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam là cá trê trắng và cá thác lác.
Tại U Minh Thượng có 72 loài động, thực vật quý, hiếm được ghi nhận trong Sách Đỏ Việt Nam 2007 và Danh lục đỏ IUCN 2012. Đặc biệt các nhà khoa học phát hiện được loài Rái cá lông mũi (Lutra sumatrana) là loài hiếm ghi trong Sách Đỏ động vật Việt Nam và Sách Đỏ thế giới (IUCN).
Năm 2012, Công viên quốc gia U Minh Thượng đã được công nhận là Công viên di sản ASEAN đầu tiên trên vùng đất than bùn của khu vực Đông Nam Á và là Vườn Quốc gia thứ 5 của Việt Nam được công nhận là Vườn Di sản ASEAN. Năm 2015, Vườn Quốc gia U Minh Thượng được công nhận là khu Ramsar thứ 2.228 của thế giới và thứ 8 của Việt Nam.
U Minh Hạ - khu dự trữ sinh quyển của thế giới
Vườn quốc gia U Minh Hạ cách TP Cà Mau 40km, rừng quốc gia U Minh Hạ là một trong ba vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển  Mũi Cà Mau, được UNESCO đưa vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Vườn Quốc gia U Minh Hạ có tổng diện tích 8.256ha nằm trên địa bàn các xã Khánh Lâm, Khánh An (huyện U Minh) và các xã Trần Hợi, Khánh Bình Tây Bắc (Trần Văn Thời).
Ngoài ra, Vườn quốc gia U Minh Hạ còn có hơn 25.000 ha vùng đệm thuộc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp U Minh Hạ, Trại giam K1-Cái Tàu và Trung tâm nghiên cứu ứng dụng rừng ngập Minh Hải.
U Minh Hạ mang đậm dấu ấn khí hậu đặc trưng của Tây Nam Bộ. Mùa mưa nơi đây kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, mang đến nguồn nước dồi dào cho hệ sinh thái. Du khách có thể đến tham quan U Minh Hạ vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, tuy nhiên mùa khô từ tháng 5 đến tháng 10 là thời điểm lý tưởng nhất để khám phá vẻ đẹp hoang sơ của khu rừng.
Một trong những trải nghiệm không thể bỏ qua khi đến U Minh Hạ là ngắm cảnh từ đài quan sát cao 26m. Đứng trên đài quan sát, du khách sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh khu rừng tràm bạt ngàn, trải dài tít tắp.
Vườn quốc gia U Minh Hạ có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, du khách đam mê làm "cần thủ" có thể câu cá rừng và nướng lên thưởng thức ngay trong rừng. Đặc biệt, nếu đến U Minh Hạ vào khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 6 hàng năm, du khách còn có cơ hội được theo các nghệ nhân vào sâu trong rừng lấy mật ong.