Xã hội

Việt Nam có một nhân vật là nữ phát thanh viên từng khiến lính Mỹ ‘vừa nhung nhớ’, được đặt biệt danh ‘Hannah Hanoi’

Minh Phát 29/04/2025 12:00

Với giọng đọc tiếng Anh của mình, bà đã khiến những người lính Mỹ tham gia chiến tranh ở Việt Nam bị mê hoặc dù chưa từng gặp mặt.

Trong lịch sử phát thanh Việt Nam, cô phát thanh viên Trịnh Thị Ngọ, hay còn được biết đến với biệt danh “Hannah Hanoi” đã trở thành biểu tượng của tài năng, bản lĩnh và lòng yêu nước. Với giọng nói mê hoặc, bà không chỉ khiến hàng nghìn lính Mỹ tham chiến tại Việt Nam phải lắng nghe mà còn truyền tải thông điệp hòa bình, lay động trái tim người nghe qua sóng radio.

Từ người con gái phố cổ đầy tài năng

Trịnh Thị Ngọ sinh ra tại phố cổ Hàng Bồ, Hà Nội, trong một gia đình giàu có. Bà là con gái của nhà tư sản Trịnh Đình Kính – người được mệnh danh là “ông hoàng thủy tinh Đông Dương” với thương hiệu Thanh Đức, bà được giáo dục kỹ lưỡng từ nhỏ. Bà đạt tú tài Pháp và tự học tiếng Anh dưới sự hướng dẫn của bà Lucine Hà Văn Vượng, một điều hiếm có thời bấy giờ khi chi phí học tiếng Anh lên đến 25 đồng Đông Dương mỗi giờ, trong khi học phí trường học chỉ vài chục đồng mỗi tháng.

Bà Ngọ từng chia sẻ với báo chí, việc học tiếng Anh ban đầu chỉ vì ý muốn của cha, nhưng niềm đam mê thực sự bùng cháy khi bà say mê bộ phim Mỹ “Cuốn theo chiều gió”. Xem phim đến 5 lần, bà quyết tâm học tiếng Anh để hiểu trực tiếp lời thoại mà không cần phụ đề, mở ra con đường đưa bà đến với sự nghiệp phát thanh.

Biến cố gia đình xảy ra khi cha bà bị bắt giam tại Hỏa Lò vì ủng hộ cách mạng, khiến gia đình mất hết tài sản. Trách nhiệm đặt lên vai cô gái trẻ Trịnh Thị Ngọ. Trong Cách mạng Tháng Tám, bà nhiệt tình tham gia cứu chữa thương binh và tiếp tế cho quân cách mạng.

Việt Nam có một nhân vật là nữ phát thanh viên từng khiến lính Mỹ ‘vừa nhung nhớ’, được đặt biệt danh ‘Hannah Hanoi’ - ảnh 1
Chân dung cô phát thanh viên Trịnh Thị Ngọ. Ảnh: Internet

Năm 1955, Đài Tiếng nói Việt Nam mở chương trình phát thanh tiếng Anh. Với vốn tiếng Anh thành thạo sau khi tốt nghiệp khoa tiếng Anh tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, Trịnh Thị Ngọ trở thành phát thanh viên, biên dịch và biên tập viên. Bà được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình “Mỹ vận”, nhắm đến binh sĩ Mỹ tại Việt Nam. Trong bối cảnh quân viễn chinh Mỹ đổ bộ ồ ạt vào miền Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Cục Địch vận (Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng) sản xuất chương trình “Chuyện nhỏ với binh sĩ Mỹ”. Với nghệ danh Thu Hương, bà Ngọ bắt đầu hành trình trò chuyện với lính Mỹ, giúp họ nhận thức đúng về cuộc chiến phi nghĩa.

Đến ‘Hannah Hanoi’ khiến lính Mỹ ‘vừa nhung nhớ, vừa sợ hãi’

Chương trình “Chuyện nhỏ với binh sĩ Mỹ” phát vào ban đêm, sau các trận chiến, mở đầu bằng câu: “Đây là Thu Hương, trò chuyện với binh sĩ Mỹ ở Nam Việt Nam...” Ban đầu, mỗi buổi kéo dài 5-6 phút, phát hai lần mỗi tuần, nhưng sau đó tăng lên 30 phút mỗi buổi, ba buổi mỗi tuần, tổng cộng 90 phút phát thanh, tiếp cận hàng nghìn binh sĩ Mỹ. Nội dung chương trình xoay quanh những câu chuyện gần gũi, từ gia đình lính Mỹ tại quê nhà đến nỗi đau của phụ nữ Việt Nam mất chồng con vì bom đạn, hay tâm tư của lính Việt Nam sau trận đánh, khéo léo khiến người nghe suy ngẫm.

Lính Mỹ mê mẩn giọng nói của bà, gọi bà là “phù thủy” hay “nàng tiên cá”. Một số binh sĩ thốt lên: “Hannah! Người là đấng tiên tri hay là mụ phù thủy, hay là quỷ sứ?” Trong mắt họ, bà là người phụ nữ có giọng nói “vừa căm ghét, vừa nhung nhớ, vừa sợ hãi nhưng vẫn không thể không nghe”. Nhiều binh sĩ sau khi nghe chương trình đã tìm cách chống lại cuộc chiến và trở về quê hương.

Việt Nam có một nhân vật là nữ phát thanh viên từng khiến lính Mỹ ‘vừa nhung nhớ’, được đặt biệt danh ‘Hannah Hanoi’ - ảnh 2
Hình ảnh bà Trịnh Thị Ngọ trên báo Mỹ năm 1966. Ảnh tư liệu

Tổng thống Mỹ Kennedy từng nhận định: “Việt Cộng đã dùng một giọng nói đàn bà quyến rũ để làm lung lay tinh thần quân đội Mỹ ở Việt Nam.” Bộ Tư lệnh viễn chinh Mỹ cấm binh sĩ nghe chương trình, nhưng sức hút của bà không giảm. Sau chiến tranh, nhiều nhà báo và cựu binh Mỹ tìm đến Việt Nam để gặp bà, thậm chí giữ lại các bản thu phát thanh.

Trong một dịp chia sẻ với báo chí, bà Ngọ từng tiết lộ về cách đọc tin: “Nguyên tắc đọc tin của tôi là phải thuyết phục, không quá thân mật nhưng không quá cứng rắn. Chọn từ ngữ cần dùng cho phù hợp. Với những cuộc trò chuyện với binh sĩ Mỹ ở miền Nam Việt Nam, tôi không gọi là kẻ thù (enemy) mà gọi là đối phương (adversary). Các anh ở bên quân đội viết tin bằng tiếng Việt, tôi là một trong số những người chuyển ngữ sang tiếng Anh. Khi đề cập thời sự cuộc chiến, tôi thường dẫn thêm lời báo chí Mỹ để thông tin có phần khách quan. Thông điệp mà tôi cố gắng truyền đạt đến từng lính Mỹ là: Các anh đang chiến đấu cho một cuộc chiến tranh phi nghĩa và sẽ chết một cách vô ích!”

Ngày 30/4/1975, bà vinh dự là người được đọc trực tiếp bằng tiếng Anh, thông báo với thế giới sự kiện lịch sử của Việt Nam: “Sài Gòn đã được giải phóng, đất nước Việt Nam đã hoàn toàn độc lập thống nhất”. Sau ngày giải phóng, bà theo chồng vào miền Nam sinh sống và làm việc ở Đài Tiếng nói TP HCM.

Việt Nam có một nhân vật là nữ phát thanh viên từng khiến lính Mỹ ‘vừa nhung nhớ’, được đặt biệt danh ‘Hannah Hanoi’ - ảnh 3
Bà Trịnh Thị Ngọ và chồng. Ảnh: Internet

Bà Trịnh Thị Ngọ mất ngày 30/9/2016, hưởng thọ 85 tuổi, được an táng tại Long Trì, Châu Thần, Long An, bên cạnh chồng. Tên tuổi bà vẫn sống mãi, được nhắc đến trên các tờ báo quốc tế như The New York Times , Life, L'Hebdo, People. Giọng đọc như bà Trịnh Thị Ngọ - Thu Hương - Hana không chỉ góp phần làm nên sức mạnh của truyền thông, của phát thanh mà còn góp phần đưa Việt Nam đến với thế giới, để bạn bè năm châu thêm yêu mến vả cảm phục Việt Nam.

Bài viết có sử dụng thông tin tham khảo từ:

Huyền thoại nữ phát thanh “Hannah Hà Nội” – Báo Pháp luật Việt Nam

Huyền thoại về nữ phát thanh viên 'Hannah Hà Nội' – Báo Tiền phong

Trịnh Thị Ngọ: Giọng nói ma lực với quân Mỹ một thời trên sóng VOV – Báo VOV

>> Giọng đọc huyền thoại của Bản tin chiến thắng 30/4/1975: Là cựu học sinh của ngôi trường chuyên đứng đầu Nam Định, thành thạo 3 ngoại ngữ

Nữ Anh hùng, liệt sĩ được đặt tên cho xã mới của Quảng Ngãi sau sáp nhập: Bố là bác sĩ, mẹ giảng viên, tình nguyện xung phong chiến đấu, hy sinh khi chưa tròn 28 tuổi

Hai tuyến phố mang tên hai nữ anh hùng dân tộc đầu tiên của Việt Nam

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/viet-nam-co-mot-nhan-vat-la-nu-phat-thanh-vien-tung-khien-linh-my-vua-nhung-nho-duoc-dat-biet-danh-hannah-hanoi-141355.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Việt Nam có một nhân vật là nữ phát thanh viên từng khiến lính Mỹ ‘vừa nhung nhớ’, được đặt biệt danh ‘Hannah Hanoi’
    POWERED BY ONECMS & INTECH