Sống

Việt Nam đang đối mặt với sự biến đổi các loại hình hôn nhân

PV 07/12/2023 - 15:56

Ngày 7/12, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học: “Báo cáo kết quả nghiên cứu nổi bật năm 2024 về hôn nhân và gia đình”.

Việt Nam đang đối mặt với sự biến đổi các loại hình hôn nhân

Hội thảo là dịp các chuyên gia chia sẻ kết quả nghiên cứu về lĩnh vực hôn nhân và gia đình, từ đó, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Đình Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cho biết, gia đình là tế bào của xã hội. Một gia đình hòa thuận, an khang, hạnh phúc là nhân tố cho xã hội và đất nước cùng đi lên, phát triển bền vững. Đồng thời, gia đình là nơi nuôi dưỡng con người, môi trường quan trọng để hình thành và giáo dục nhân cách con người. Gia đình Việt Nam đang có xu hướng hạt nhân hóa rõ nét. Tuổi kết hôn cũng có xu hướng thay đổi theo hướng muộn hơn trong những thập niên qua.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Tuấn đánh giá, những năm gần đây, gia đình Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức mới cùng sự biến đổi các loại hình hôn nhân. Gia đình hiện nay không chỉ đồng nhất hôn nhân truyền thống mà còn xuất hiện nhiều loại hình mới như: Hôn nhân đồng giới, gia đình đơn thân, chung sống không kết hôn, độc thân, không sinh con...

Để phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới, Tiến sỹ Nguyễn Đình Tuấn cho rằng, cần xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thông qua việc giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn; kế thừa di sản giá trị gia đình truyền thống; tăng cường gắn kết các thế hệ trong gia đình với nhau trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, di cư lao động...

Tham luận nội dung chính sách về gia đình, Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Bá Thịnh, Đại học Quốc Gia Hà Nội cho biết, chính sách về gia đình gồm nhiều mục tiêu khác nhau như: Giảm nghèo và duy trì thu nhập, chi phí tài chính nuôi con, thúc đẩy việc làm, cải thiện bình đẳng giới, hỗ trợ phát triển tuổi thơ, tăng tỷ lệ sinh...

Chính sách về gia đình còn liên quan đến những chính sách xã hội khác như: Quyền lợi nghỉ phép của cha mẹ, chính sách thai sản; chăm sóc trẻ em, chăm sóc các thành viên gia đình (đau ốm, bệnh tật, tai nạn…). Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Bá Thịnh cho rằng, các chính sách phải được thiết kế từ quan điểm lấy gia đình làm trung tâm. Các chính sách ít liên quan trực tiếp hơn phải được xem xét kỹ lưỡng về tác động tiềm tàng của chúng đối với hoạt động của gia đình.

Tuy nhiên, để có được chính sách tốt, cần dữ liệu đầy đủ và đáng tin cậy. Vì vậy, sự thiếu hụt số liệu thống kê liên quan đến gia đình bao gồm đầy đủ các loại hình và cấu trúc gia đình phổ biến hiện nay đã cản trở sự phát triển hiệu quả của chính sách.

Chia sẻ nghiên cứu “Ly hôn ở Việt Nam hiện nay: Tính cá nhân, giá trị gia đình và bản sắc văn hóa; nghiên cứu trường hợp Tây Nam Bộ”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thị Minh Thi, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cho hay, mặc dù ly hôn có xu hướng giảm nhẹ trong một vài thập niên gần đây ở phương Tây nhưng ly hôn ở Việt Nam vẫn tăng lên, xu hướng tương tự các quốc gia châu Á.

Hiện đại hóa, đi cùng với sự phát triển của công bằng xã hội, bình đẳng giới, nâng cao vị thế kinh tế-xã hội của phụ nữ và mở rộng chủ nghĩa cá nhân là những chiều cạnh giải thích cho việc ly hôn đang ngày càng tăng ở Việt Nam. Chính sách và chiến lược của Nhà nước về hôn nhân, gia đình, dân số và bình đẳng giới; phát triển kinh tế-xã hội; hội nhập quốc tế về văn hóa, xã hội và truyền thông đại chúng cũng ảnh hưởng quan trọng đến xu hướng ly hôn này.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thị Minh Thi nêu cụ thể, điển hình việc ly hôn ở Tây Nam Bộ mang đặc điểm phức hợp và giằng co của quá trình hiện đại hóa, tiếp biến văn hóa trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội còn thấp.

Tây Nam Bộ là khu vực có nhiều phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài và ly hôn có yếu tố nước ngoài cũng diễn ra ở khu vực này. Xu hướng chung của tuổi ly hôn khu vực Tây Nam Bộ trong 10 năm qua là phụ nữ ly hôn ở độ tuổi trẻ hơn nam giới; phụ nữ nông thôn ly hôn ở độ tuổi trẻ hơn so với thành thị; trong đó, tuổi trung bình khi ly hôn đối với nam là 37,9 tuổi và đối với nữ là 34,5 tuổi.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học cùng trao đổi, chia sẻ kết quả nghiên cứu một số nội dung khác như: Kế thừa và phát triển giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam; ảnh hưởng của tham gia các hoạt động cộng đồng tới sức khỏe tinh thần của người cao tuổi; bạo lực thể chất trong gia đình đối với trẻ em… nhằm phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

Cộng đồng mạng ‘dậy sóng’ với bảng chi tiêu của cặp vợ chồng trẻ, đặc biệt một khoản chi khiến ai cũng bất bình

Vợ trẻ được tuyên trắng án vụ đại gia địa ốc nổi tiếng đào hoa bị đầu độc

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/viet-nam-dang-doi-mat-voi-su-bien-doi-cac-loai-hinh-hon-nhan-post141028.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Việt Nam đang đối mặt với sự biến đổi các loại hình hôn nhân
    POWERED BY ONECMS & INTECH