Cụ ông ở TPHCM mất sau 4 năm tái hôn, phút lâm chung nói ‘đã toại nguyện’
Sau khi tái hôn ông Nghinh, bà Yến sống hạnh phúc như cặp vợ chồng son cho đến khi ông bất ngờ ra đi vì bạo bệnh, để lại nỗi buồn thương khôn tả cho người ở lại.
Buồn thương khôn tả
Trở về từ nhà người con, bà Lê Thị Ái Yến (70 tuổi, quận 5, TPHCM) giấu mình trong căn hộ nhỏ trên tầng 6. Nhìn khắp phòng, nơi đâu bà cũng thấy bóng dáng của ông Vũ Phùng Nghinh (80 tuổi), người tái hôn với bà 4 năm trước.
Những kỷ niệm hạnh phúc ùa về khiến tim bà thắt lại. Nhìn di ảnh chồng cùng những vật dụng ông sửa chữa, làm mới cho ngôi nhà, bà không thể tin ông đã ra đi.
Trước khi qua đời vì bạo bệnh ít ngày trước, ông Nghinh nổi tiếng với mối tình đặc biệt cùng cuộc hôn nhân hạnh phúc ở tuổi xế chiều với bà Yến. Tình cờ biết nhau qua mạng xã hội năm 2020, ông bà phát hiện cả hai có nhiều điểm chung đến khó tin.
Ngoài cùng đam mê ca hát, ông bà còn thích chơi bóng bàn, từng là giáo viên, cùng dạy môn Toán. Nhận thấy cuộc gặp gỡ giữa mình và ông Nghinh như duyên trời định, bà Yến chủ động đề nghị ông kết hôn.
Sau đó, cả hai xin giấy xác nhận độc thân và làm giấy đăng ký kết hôn. Được các con ủng hộ, ông Nghinh dọn về ở chung với bà Yến. Từ đó, ông bà sống hạnh phúc như cặp vợ chồng son và chưa rời nhau nửa bước.
Bà Yến ngậm ngùi chia sẻ: “Về chung nhà, chúng tôi tìm được niềm vui, hạnh phúc tuổi già. Chúng tôi chăm sóc nhau, cùng nhau tận hưởng những đam mê của mình.
Mỗi ngày, chúng tôi cùng nhau đi chơi bóng bàn, biểu diễn trong các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao của hội cựu chiến binh, đoàn lao động,… tại quận Gò Vấp, quận 12 và quận 7.
Những năm tháng ấy, đi đâu, chúng tôi cũng bên nhau, thậm chí mặc áo đôi, đội nón, đi giày dép cặp,…
Lúc trước, vì đại dịch nên chúng tôi chưa thể tổ chức đám cưới và định sẽ tổ chức vào năm tới đây để kỷ niệm 5 năm gặp gỡ, yêu thương nhau. Nào ngờ, ông ấy lâm bệnh rồi ra đi trước, để lại trong tôi nỗi buồn thương khôn tả”.
Cố gắng vượt qua
Nhắc lại chuyện buồn, bà Yến không giấu nổi sự bàng hoàng. Bà nhiều lần nhắc lại 2 từ ám ảnh khi chia sẻ về sự ra đi đột ngột của ông.
Bởi trước đó, cả hai vẫn chở nhau đi đánh bóng bàn. Thế nhưng, sau khi than chóng mặt và được đưa vào bệnh viện, bác sĩ phát hiện ông lâm nhiều bệnh trọng.
Cuối cùng, sau 40 ngày chiến đấu với bệnh tật, ông ra đi sau khi nắm tay, nói với bà câu: “Sống được chừng này là anh đã toại nguyện lắm rồi".
Ngày ông Nghinh rời đi mãi mãi, bà Yến đau buồn đến suy sụp. Căn hộ nhỏ vốn đầy ắp niềm vui, hạnh phúc của vợ chồng bà giờ đây bỗng nhiên trống rỗng, lạnh lẽo.
Bà tâm sự: “Đến lúc này, tôi vẫn bị ám ảnh bởi những hạnh phúc đã qua. Trong căn nhà của mình, nhìn đâu tôi cũng thấy hình bóng của ông ấy.
Tôi vẫn có cảm giác ông ấy vẫn đang ngồi ở sô-pha, cùng tôi uống trà hay đứng ở nhà sau lúi húi cưa gỗ, đóng đinh, sửa cho tôi cái ghế, cái bàn,…
Đặc biệt, nhìn tivi, cây vợt bóng bàn tôi lại nhớ cảnh vợ chồng cùng tập hát để chuẩn bị đi biểu diễn văn nghệ, tham gia đánh bóng bàn… Biết bây giờ không còn những điều ấy nữa, tôi buồn, cô đơn, hụt hẫng vô cùng”.
Dù vậy, bà không để nỗi buồn thương khiến mình bi lụy, ảnh hưởng đến cuộc sống bản thân, con cháu. Bà cố gắng chấp nhận hạnh phúc ngắn ngủi và vượt qua nỗi buồn bằng nhiều cách.
Sau đám tang chồng, bà Yến thường đến nhà các con ở để bớt cô đơn. Sợ mẹ buồn, cô quạnh, những hôm bà Yến về nhà riêng, các con của bà cũng thay phiên nhau đến chăm sóc.
Những ngày gần đây, không muốn ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống của con, bà tìm cách sống tích cực để thoát khỏi nỗi cô đơn. Bà lên kế hoạch tiếp tục tham gia hoạt động thể thao, văn nghệ tại các câu lạc bộ trước đây ông bà từng sinh hoạt.
“Dù buồn thương đến đâu thì tôi vẫn phải tiếp tục sống. Hơn thế, tôi không muốn nỗi buồn của mình ảnh hưởng đến con cháu. Vì vậy, tôi sẽ mạnh mẽ, nghị lực sống để tiêu trừ nỗi buồn, tiếp thêm năng lực tích cực cho bản thân, con cháu”, bà tâm sự.