Việt Nam đang sở hữu 100.000 tấn 'kho báu' hiếm được các siêu cường săn lùng, tỉnh nằm trong diện sáp nhập nắm 90% tài nguyên
Đây là loại kim loại gần như không thể thay thế trong nhiều ứng dụng công nghiệp, từ sản xuất máy móc hiệu suất cao đến các hợp kim thép.
Vonfram là một kim loại màu bạc xỉn, sở hữu nhiệt độ nóng chảy cao nhất và áp suất hơi thấp nhất trong số các kim loại. Đây là nguyên tố có độ bền kéo cao nhất hiện nay, vượt cả kim cương về khả năng chịu lực và cứng hơn thép rất nhiều.

Hiện nay, vonfram được sử dụng rộng rãi làm vật liệu chống mài mòn trong các ngành công nghiệp như gia công kim loại, khai thác mỏ, dầu khí, xây dựng…
Đây là loại kim loại gần như không thể thay thế trong nhiều ứng dụng công nghiệp, từ sản xuất máy móc hiệu suất cao đến các hợp kim thép. Vì thế, vonfram còn được ứng dụng trong lĩnh vực ô tô, năng lượng, xây dựng, hàng không vũ trụ, cũng như trong các hoạt động quân sự, hàng không và sản xuất điện.
Theo công bố năm 2022 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng vonfram Việt Nam đạt khoảng 100.000 tấn, đứng thứ 3 thế giới. Cụ thể, 5 quốc gia có trữ lượng vonfram lớn nhất thế giới gồm có: Trung Quốc (1,9 triệu tấn), Nga (400.000 tấn), Việt Nam (100.000 tấn), Tây Ban Nha (52.000 tấn) và Triều Tiên (29.000 tấn).
Tại Việt Nam, các mỏ vonfram chủ yếu phân bố ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc, trong đó tỉnh Thái Nguyên hiện đang nắm giữ tới 90% trữ lượng của cả nước.

“Báo cáo các kết quả thăm dò chi tiết mỏ vonfram - đa kim Núi Pháo” được phê duyệt bởi Hội Đồng Đánh Giá Trữ Lượng Khoáng Sản Quốc Gia xác nhận, tổng trữ lượng quặng của mỏ Núi Pháo là 110.260.000 tấn, trong đó trữ lượng Cấp 111 là 30.500.000 tấn, trữ lượng Cấp 122 là 52.720.000 tấn (hàm lượng WO3 khả thi để khai thác tương đương 0,2% tính tại thời điểm năm 2003) và trữ lượng Cấp 333 là 27.040.000 tấn.
Thái Nguyên thuộc vùng sinh khoáng Đông Bắc Việt Nam, nằm trong vành đai sinh khoáng Thái Bình Dương. Tỉnh có tới 34 loại hình khoáng sản, tập trung chủ yếu tại các huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Lương, Đại Từ…

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên, địa phương này sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng với hơn 200 điểm mỏ, bao gồm nhiều loại khoáng sản như vonfram, than, sắt, thiếc, chì, kẽm...
Đặc biệt, tỉnh có một số mỏ khoáng sản quy mô lớn như mỏ vonfram đa kim tại khu vực Núi Pháo (huyện Đại Từ) - mỏ có trữ lượng lớn nhất Việt Nam và lớn thứ ba thế giới; mỏ than với tổng trữ lượng khoảng 90 triệu tấn (đứng thứ hai cả nước), phân bố ở các khu vực như Núi Hồng, Làng Cẩm (Đại Từ), Phấn Mễ (Phú Lương), Khánh Hòa (TP. Thái Nguyên); mỏ quặng sắt với khoảng 50 triệu tấn, chủ yếu tại Trại Cau (Đồng Hỷ)...
Đáng chú ý, trong những năm gần đây, mỏ vonfram Núi Pháo chiếm khoảng 33% sản lượng vonfram toàn cầu (không tính Trung Quốc), là mỏ có quy mô lớn thứ hai thế giới. Trữ lượng tại đây được xác định là 52,5 triệu tấn quặng WO3, với hàm lượng trung bình 0,21%.

Ngoài ra, mỏ Núi Pháo còn sở hữu trữ lượng bismut dồi dào - nguyên tố không phát xạ tự nhiên nặng nhất, được xếp vào loại kim loại quý trên Trái đất với nhiều ứng dụng công nghiệp và tiêu dùng. Trữ lượng bismut tại mỏ này chiếm tới 40% trữ lượng toàn cầu, dù đến nay mới chỉ khai thác một phần nhỏ. Theo đánh giá, vòng đời sản xuất của nhà máy tại đây ước tính kéo dài khoảng 20 năm.
Mỏ Núi Pháo hiện được coi là nguồn cung vonfram an toàn và đáng tin cậy cho các nhà sản xuất ô tô, máy bay... trong bối cảnh chưa có khoáng chất hoặc hợp chất hóa học nào có thể thay thế hiệu quả.
Tài nguyên khoáng sản phong phú của Thái Nguyên, đặc biệt là vonfram, sắt và than (đặc biệt là than mỡ), mang lại lợi thế lớn trong phát triển ngành công nghiệp khai khoáng và luyện kim, góp phần đưa Thái Nguyên trở thành một trung tâm luyện kim lớn của cả nước.
Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, dựa trên các tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, lịch sử, văn hóa… cả nước dự kiến có 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh thuộc diện sắp xếp, trong đó có tỉnh Thái Nguyên.
Thái Nguyên là tỉnh tiếp giáp với Hà Nội, nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô và được xác định là trung tâm vùng của các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Tỉnh có diện tích tự nhiên 3.562 km² và dân số hơn 1,35 triệu người.
Hiện nay, Thái Nguyên là một trong số ít tỉnh, thành tự cân đối thu chi ngân sách và đứng đầu khu vực Đông Bắc Bộ về thu ngân sách. Năm 2020, Thái Nguyên là tỉnh duy nhất thuộc trung du, miền núi phía Bắc góp mặt trong top 10 địa phương có thu nhập bình quân đầu người (GNI) cao nhất cả nước, với mức 12.960 USD.
Cùng với Bình Dương, Bắc Ninh, Đồng Nai và Bắc Giang, Thái Nguyên được doanh nghiệp đánh giá là 1 trong 5 địa phương có hệ thống hạ tầng tốt nhất năm 2019, đồng thời là một trung tâm công nghiệp trọng điểm của cả nước.
>> Tìm thấy 'kho báu' 20kg vàng dưới đống đổ nát của tòa chung cư bị sập