Việt Nam ghi nhận mức sinh thấp nhất trong vòng 12 năm, xuất hiện hai khu vực có mức sinh giảm đáng báo động
Mức sinh quá thấp kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cơ cấu dân số, gây ra hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, gia tăng tốc độ già hóa dân số.
Theo báo cáo của Cục Dân số (Bộ Y tế), mức sinh  thay thế của Việt Nam đang giảm mạnh nhất trong 12 năm qua và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới. Tổng tỷ suất sinh năm 2022 là 2,01 con/phụ nữ và ước tính năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ. Xu hướng không muốn sinh hoặc sinh rất ít con đang trở nên phổ biến ở các đô thị, nơi điều kiện kinh tế phát triển. Trong đó, hai khu vực có mức sinh giảm đáng báo động là vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, bình quân 1,47 con/phụ nữ.
Ngược lại, tại một số vùng kinh tế và xã hội khó khăn, mức sinh vẫn cao, thậm chí trên 2,5 con/phụ nữ. Tỷ lệ sinh cao tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, làm gia tăng khoảng cách phát triển và chất lượng cuộc sống giữa các địa phương này và các khu vực khác.
Để giải quyết vấn đề mức sinh giảm mạnh, Bộ Y tế đã đề xuất một chính sách để các cặp vợ chồng và cá nhân tự do quyết định việc sinh con. Chính sách này bao gồm lựa chọn thời gian sinh, số lượng con, khoảng cách giữa các lần sinh sao cho phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, công việc, thu nhập và khả năng nuôi dạy con của mỗi gia đình.
Bộ Y tế nhận định rằng chính sách mới này đánh dấu một sự thay đổi so với Pháp lệnh Dân số hiện hành, vốn chỉ cho phép mỗi cặp vợ chồng "sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định". Chính sách mới nhằm giải quyết tình trạng mức sinh giảm quá thấp và ngăn ngừa nguy cơ già hóa dân số nghiêm trọng. Để thực hiện hiệu quả chính sách này, Nhà nước cần đảm bảo ngân sách để tuyên truyền, vận động và hỗ trợ, khuyến khích các lợi ích vật chất và tinh thần cho các đối tượng áp dụng chính sách.
Mức sinh là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến tốc độ tăng, quy mô và cơ cấu dân số của một quốc gia. Nếu mức sinh quá cao, quy mô dân số sẽ tăng quá nhanh, gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và làm khó đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Ngược lại, mức sinh quá thấp kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cơ cấu dân số, gây ra hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động và gia tăng tốc độ già hóa dân số. Những hệ lụy này sẽ tác động lớn đến sự phát triển kinh tế  - xã hội cũng như quốc phòng và an ninh.