Việt Nam sắp khánh thành cây cầu ngói 400 tuổi tại 'thành phố đẹp nhất thế giới'
Cây cầu này còn là hình ảnh được in trên tờ tiền 20.000 đồng bằng giấy nhựa polymer của đất nước ta.
Mới đây, UBND TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho biết, thành phố dự kiến sẽ khánh thành di tích Chùa Cầu  vào chiều ngày 3/8 trong khuôn khổ các hoạt động của sự kiện "Giao lưu Văn hóa Hội An – Nhật Bản" lần thứ 20, năm 2024.
Dự án tu bổ Di tích Chùa Cầu do UBND TP. Hội An  (tỉnh Quảng Nam) làm chủ đầu tư, với sự quản lý của Trung tâm quản lý bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An. Dự án khởi công vào tháng 12/2022 với tổng vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng, được trích từ ngân sách tỉnh Quảng Nam 50% và UBND TP. Hội An 50%.
Việc tu bổ Chùa Cầu sẽ gồm các hạng mục: gia cố hệ nền, móng, mố, trụ cầu; tu bổ hệ sàn, hệ khung gỗ, hệ mái; cải tạo hệ thống điện, chống mối công trình. Bên cạnh đó, dự án này cũng sẽ tiến hành số hóa di tích bằng công nghệ 3D phục vụ lưu trữ và công tác tu bổ, tổ chức hội thảo, tọa đàm, lập hồ sơ khoa học, tôn tạo cảnh quan và hạ tầng kỹ thuật.
Tháng 5 vừa qua, dự án đã được gia hạn thời gian thi công thêm 180 ngày nhằm hoàn thành các công việc, khối lượng còn lại.
Chùa Cầu là công trình kiến trúc cổ dạng cầu, nối giữa phố Trần Phú và phố Nguyễn Thị Minh Khai nằm trong khu phố cổ Hội An, bắc qua một con lạch nhỏ thông ra sông Hoài. Nơi đây được biết đến là biểu tượng du lịch của TP. Hội An - nơi từng được Tạp chí du lịch Travel+Leisure bình chọn là một trong những "thành phố đẹp nhất thế giới" vào đầu năm 2023.
Chùa Cầu dài khoảng 18m, rộng khoảng 3m; có kiến trúc pha trộn của Nhật Bản, Trung Hoa và Việt Nam. Cấu trúc cầu theo mặt bằng gồm 3 phần chính là 2 phần đầu cầu và phần thân cầu ở giữa...
Cấu trúc phần chùa trên cầu. Ảnh: Sưu tầm
Cây cầu còn được biết đến với tên gọi cầu Nhật Bản hay Lai Viễn Kiều. Cầu ban đầu chỉ là cầu gỗ được các thương nhân Nhật Bản góp tiền xây dựng vào thế kỷ XVII. Sau này, người dân địa phương dựng thêm phần chùa, nối liền vào lan can phía Bắc, nhô ra giữa cầu, từ đó hình thành nên tên gọi Chùa Cầu.
Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu đến thăm Hội An  và đặt tên cho chiếc cầu là Lai Viễn Kiều, mang ý nghĩa "cầu đón khách phương xa". Trong quá khứ, gần 400 năm qua, Chùa Cầu đã được tu bổ lớn ít nhất 7 lần vào các năm 1763, 1817, 1875, 1917, 1962, 1986, 1996. Và lần gần nhất, từ sau năm 1975, vào năm 1986 và 1996.
Ngày 17/2/1990, Chùa Cầu được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia. Đặc biệt, cây cầu này còn là hình ảnh được in trên tờ tiền 20.000 đồng bằng giấy nhựa polymer của đất nước ta.