Doanh nghiệp

Việt Nam sẽ có Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM vào năm 2045

Huy Hoàng 11/10/2024 - 08:26

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất xây dựng hai Trung tâm tài chính tại TP. HCM và Đà Nẵng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Tờ trình Dự thảo Đề án xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cũng như các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Theo Dự thảo, việc phát triển Trung tâm tài chính (TTTC) nhằm mục tiêu huy động hiệu quả các nguồn lực tài chính, cung cấp dịch vụ tài chính hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có TTTC nói riêng và Việt Nam nói chung. Đồng thời, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và bắt kịp các chuẩn mực tài chính quốc tế.

Theo đề án, Việt Nam dự kiến thành lập TTTC khu vực vào năm 2035 và TTTC quốc tế vào năm 2045. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất xây dựng hai TTTC tại TP. HCM và Đà Nẵng. Cụ thể, TP. HCM sẽ là nơi xây dựng TTTC quốc tế toàn diện, trong khi Đà Nẵng sẽ phát triển TTTC khu vực với trọng điểm là các dịch vụ tài chính quốc tế. Đặc biệt, TTTC Đà Nẵng sẽ gắn với Khu Thương mại tự do và thử nghiệm có kiểm soát các công nghệ tài chính (fintech) nhằm đổi mới sáng tạo.

Việt Nam sẽ có trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM vào năm 2045
Ảnh minh họa

Việc xây dựng TTTC đòi hỏi áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, nhất là trong các lĩnh vực tài chính mới như fintech, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tại TP. HCM, đề án đề xuất thực hiện TTTC tại khu vực Quận 1 và khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đà Nẵng đề xuất tại khu lõi tập trung tại các lô đất trên đường Võ Văn Kiệt và Võ Nguyễn Giáp, với diện tích hơn 6ha, có thể mở rộng thành khu phố tài chính là vùng diện tích địa lý nằm tại KCN Đà Nẵng với diện tích 62ha. Đồng thời phát triển trung tâm công nghệ tài chính là phần diện tích Khu công viên phần mềm số 2.

Trước đó, tại cuộc họp về việc xây dựng đề án TTTC khu vực và quốc tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng đây là một vấn đề mới, phức tạp và chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Do đó, cần thảo luận kỹ lưỡng để chọn ra phương án tốt nhất. Mục tiêu chính của việc xây dựng TTTC là hình thành một thị trường tài chính phát triển, huy động các nguồn lực tài chính phục vụ cho sự phát triển của TP. HCM, Đà Nẵng, và cả nước.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hút mọi nguồn lực tài chính, đặc biệt là nguồn lực cho các ngành kinh tế mới nổi như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, và ứng phó với biến đổi khí hậu. Thị trường tài chính cần được xây dựng với các tiêu chí hoạt động lành mạnh, an toàn, hội nhập và bền vững.

>> Dự kiến vị trí xây dựng 2 Trung tâm tài chính: Một vươn tầm quốc tế và một ‘đi trước, thử nghiệm’

Dự kiến vị trí xây dựng 2 Trung tâm tài chính: Một vươn tầm quốc tế và một ‘đi trước, thử nghiệm’

Chủ tịch TP. HCM kêu gọi người dân mua trái phiếu để đóng góp làm metro

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/viet-nam-se-co-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-tai-tp-hcm-vao-nam-2045-252993.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Việt Nam sẽ có Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM vào năm 2045
    POWERED BY ONECMS & INTECH