Việt Nam sở hữu một quần thể kiến trúc quân sự 36.000m2 theo kiểu Vauban, chuẩn bị được chi gần 170 tỷ đồng trùng tu
Việc tu bổ, tôn tạo quần thể này sẽ ưu tiên phương pháp thủ công, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới như máy ủi, máy đào...
Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý chủ trương tu bổ, tôn tạo di tích thành cổ Diên Khánh  (thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh) với tổng kinh phí hơn 166 tỷ đồng. Dự kiến tháng 9/2024, chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa sẽ khởi công trùng tu thành cổ Diên Khánh, hoàn thành công trình trong năm 2025.
Dự án tu bổ, tôn tạo di tích thành cổ Diên Khánh tiến hành trùng tu, phục hồi, bảo tồn 12 hạng mục. Trong đó, có các hạng mục trùng tu theo nguyên gốc như tuyến tường thành bằng đất, đỉnh thành, lối đi lát gạch...
Dự án cũng bổ sung những hạng mục mới như tuyến đường chạy sát chân thành dài 2.000m, rộng 6m, cầu vòm bắc qua hào nước, các tiểu công viên, chỉnh trang cầu tại các cổng thành; nạo vét bùn đất và vệ sinh lòng hào, mái hào... Kinh phí thực hiện dự án là hơn 166 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh Khánh Hòa.
Trước khi khởi công dự án, Cục Di sản Văn hóa  đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa phối hợp, hướng dẫn chủ đầu tư thành lập Hội đồng đánh giá di tích theo quy định, nhằm bảo tồn tối đa các yếu tố gốc, giá trị lịch sử của di tích .
Cục Di sản Văn hóa lưu ý việc phục hồi tuyến thành đất và nạo vét, chống thấm hào ưu tiên phương pháp thủ công, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới (máy ủi, máy đào), nhất là tại các vị trí gần cổng thành, góc thành.
Đối với việc tôn tạo các gò đất tại tiểu công viên, các vị trí trồng cỏ tại mái gò, quá trình thi công không làm dốc phẳng và tạo ra cung tròn hoàn chỉnh (tránh gây ra ý kiến trái chiều về cấu trúc vốn có của các góc thành), mà cần tạo thành các mái dốc bám theo đường đồng mức tự nhiên, chỉ san gạt cục bộ để tôn trọng tối đa địa hình hiện trạng…
Ngoài ra, quá trình dọn dẹp mặt bằng chuẩn bị thi công và thi công các hạng mục của dự án cần có sự giám sát của cán bộ chuyên môn khảo cổ nhằm kịp thời đề xuất bổ sung việc thăm dò, khai quật khảo cổ hoặc phát hiện, xử lý hiện vật khảo cổ (nếu có) theo quy định.
Cục Di sản Văn hóa cũng lưu ý, các cơ quan liên quan tại địa phương chịu trách nhiệm đối với phương án đền bù, giải phóng mặt bằng khu vực thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.
Cách xa TP. Nha Trang khoảng 10km, di tích thành cổ Diên Khánh tọa lạc tại thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Công trình được hoàn thành vào năm 1793, trên diện tích khoảng 36.000m2 và là một quần thể kiến trúc quân sự  theo kiểu Vauban (Pháp), nhằm để phòng thủ, án ngữ và bảo vệ vùng đất Nam Trung Bộ tại thời điểm đó.
Thành được đắp bằng đất là chính, uốn theo hình lục giác, dài 2.693m và cao chừng 3,5m. Ban đầu, thành có 6 cửa gồm Tả, Hữu, Đông, Tây, Tiền (hướng Nam), Hậu (hướng Bắc). Đến năm 1823, 2 cửa Tả, Hữu bị phá bỏ, nay chỉ còn 4 cửa.
Mặt ngoài thành được đắp hơi thẳng đứng, mặt trong được đắp thoai thoải, 2 bên cổng có các bậc thang dùng làm đường lên xuống. Trên cổng thành xây dựng các vọng lâu để lính canh nhìn được ra xa.
Theo tài liệu, hệ thống hào bên ngoài thành sâu từ 3m đến 5m, rộng hẹp không đều nhau tùy theo địa hình.
Tính đến nay, tòa thành này đã tồn tại hơn 230 năm và được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia năm 1988. Vào các năm 2003, 2010, thành cổ Diên Khánh được sơn sửa 4 cổng, gia cố những nơi bị nứt tường, dột nước mưa và một số đoạn tường thành.
Cuối năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định di dời các cơ quan hành chính, quân sự khỏi nội thành Diên Khánh để biến nơi đây thành phố đi bộ và dần phục hồi các công trình mang dấu tích lịch sử để phục vụ du lịch.
Với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia, phục vụ tốt công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, địa phương đã quyết định tu bổ, tôn tạo nhằm bảo tồn quần thể kiến trúc quân sự Diên Khánh.
>> Thành cổ xây dựng dưới thời chúa Nguyễn được chi gần 167 tỷ đồng để trùng tu