Việt Nam, ‘thỏi nam châm’ của ngành bán dẫn thế giới
Tờ Nikkei nhận định, Việt Nam đã biến thành “thỏi nam châm” thu hút các công ty bán dẫn toàn cầu nhờ nhân lực tài năng, chi phí hợp lý.
Về thăm trường cũ tại Việt Nam, Tran Thi Ngoc Guong bất ngờ khi thấy tất cả sinh viên tò mò về lĩnh vực cô đang công tác: thiết kế chip. “Mọi người đặt rất nhiều câu hỏi và cũng rất chi tiết”, cô nói.
Nhiều điều đã đổi thay trong 5 năm từ khi Guong tốt nghiệp. Hiện cô là kỹ sư thiết kế vật lý cấp cao tại nhà phát triển chip Marvell (Mỹ). Nhiều tân sinh viên chọn chuyên ngành bán dẫn . Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo ít nhất 50.000 kỹ sư và nhà thiết kế chip vào năm 2030.
“Tôi không nghĩ có ngày tôi sẽ làm trong một lĩnh vực ‘hot’ như vậy”, Guong, 26 tuổi, trả lời Nikkei từ văn phòng ở TP. Hồ Chí Minh.
Nikkei nhận xét, sức nóng của ngành bán dẫn kết hợp nhiều yếu tố: nhu cầu kỹ sư chip tăng vọt trong cuộc bùng nổ AI; chuyển dịch chuỗi cung ứng thúc đẩy nhu cầu nhân sự địa phương; khan hiếm lao động nghiêm trọng tại các nền kinh tế chip truyền thống như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ.
Alchip Technologies, nhà cung cấp dịch vụ thiết kế chip AI hàng đầu của Đài Loan (Trung Quốc), đang mở rộng đội ngũ R&D tại Việt Nam, nơi họ dự kiến mở văn phòng đầu tiên năm nay. Giám đốc Tài chính Daniel Wang nói, công ty khả năng sẽ tăng số lượng nhân sự lên tối đa 100 kỹ sư trong vòng 2 đến 3 năm.
Còn theo CEO kiêm Chủ tịch Johnny Shen, sau khi đánh giá một số điểm đến châu Á, “đội ngũ nhân tài kỹ thuật đầy hứa hẹn của Việt Nam và tinh thần làm việc mạnh mẽ của họ khiến Việt Nam trở thành một lựa chọn rất hấp dẫn với chúng tôi. Chúng tôi rất ấn tượng bởi sự cống hiến và cam kết của các kỹ sư Việt Nam, những người mong muốn học hỏi và đóng góp”.
Cũng đến Việt Nam để tìm kiếm các kỹ sư trẻ là GUC và Faraday Technology, nhà cung cấp dịch vụ thiết kế chip liên kết cho TSMC và UMC.
Các công ty Hàn Quốc cũng chuyển sang Việt Nam, một phần để bù đắp tình trạng chảy máu chất xám ở quê nhà. Theo Nikkei, Việt Nam là quốc gia xuất hiện nhiều nhất trong cuộc trao đổi gần đây giữa các lãnh đạo doanh nghiệp và ông Oh Young Ju, Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và Startup.
Địa điểm chiến lược để phát triển nhân tài kỹ thuật
Hãng bán dẫn BOS Semiconductors của Hàn Quốc đến TP. Hồ Chí Minh để thành lập một nhóm hỗ trợ. Trong quá trình công tác giữa hai nước, so sánh hai đội ngũ nhân sự, chất lượng của các kỹ sư Việt Nam đã thuyết phục công ty nâng cấp nhóm. “Họ nhận ra đây có thể là trung tâm R&D chính. Điều đó thực sự bất ngờ”, Giám đốc quốc gia Lim Hyung Jun cho biết.
BOS thiết kế chip AI cho các hãng xe như Hyundai. Ông Lim cho biết việc đạt được mục tiêu thiết kế chip SoC tại Việt Nam sẽ thể hiện sự khéo léo của địa phương. “Nó có thể hình thành xu thế thị trường”, ông nói.
Có khoảng 50 nhân sự của BOS tại TP. Hồ Chí Minh, bao gồm Giám đốc thiết kế Nguyen Hung Quan. Ông cho biết các đồng nghiệp của mình “rất phấn khích” khi được làm về các vấn đề như truyền dữ liệu tốc độ cao, giúp họ có thêm kỹ năng. “Tại Việt Nam, chúng tôi đang ở giai đoạn R&D. Việc sản xuất rất khó khăn và tốn kém, nhưng điều này sẽ giúp chúng tôi đi đúng hướng”.
ADTechnology, công ty đồng hương của BOS, đang vận hành hai trung tâm nghiên cứu tại TP. Hồ Chí Minh.
Việc có sẵn nhân sự công nghệ trong thời kỳ khan hiếm có thể giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng giá trị chuỗi cung ứng. Marvell mô tả Việt Nam là “địa điểm chiến lược để phát triển nhân tài kỹ thuật”.
Le Quang Dam – một nhân vật kỳ cựu trong ngành – đã giúp triển khai văn phòng đầu tiên của Marvell tại đây. Từ chỉ vài chục kỹ sư trong những năm đầu, nhóm của ông giờ đã lên hơn 400 người. Dam, Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam, chia sẻ Việt Nam sẽ trở thành trung tâm thiết kế chip lớn thứ ba của Marvell, chỉ sau thủ phủ Mỹ và Ấn Độ.
Marvell muốn tăng số lượng nhân sự địa phương lên 500 vào năm 2026. Kế hoạch tuyển dụng không chỉ bao gồm nhân viên cho văn phòng tại TP. Hồ Chí Minh mà còn một điểm mới ở Đà Nẵng. Theo ông Dam, sau 11 năm, đội ngũ Việt Nam “có thể thực hiện R&D công nghệ chip tối tân”.
Không giống như các lĩnh vực công nghệ thấp, hoạt động của Marvell tại Việt Nam đòi hỏi năng lực kỹ thuật tiên tiến. Phần lớn các thành viên trong nhóm của Dam rất trẻ - ở độ tuổi 20 hoặc 30 - và hơn 20% là nữ.
Trong khi đó, Synopsys – nhà sản xuất công cụ thiết kế chip hàng đầu thế giới – nằm trong số các doanh nghiệp đầu tư tích cực nhất vào Việt Nam, nơi hãng đang có hơn 500 nhân viên tại nhiều trung tâm thiết kế nằm ở các thành phố. Robert Li, Phó Chủ tịch bán hàng của Synopsys, Đài Loan (Trung Quốc) và Đông Nam Á, nhận xét: "Mức độ quan tâm cao của sinh viên Việt Nam và lực lượng lao động được đào tạo trong ngành kỹ thuật bán dẫn, kết hợp với nguồn tài trợ và các chương trình của chính phủ, sẽ giúp thiết lập Việt Nam trở thành trung tâm tài năng bán dẫn".
Theo ông Li, đội ngũ Synopsys tại Việt Nam đang xử lý những thách thức quan trọng nhất của khách hàng. Một ví dụ điển hình là vai trò quan trọng của nhóm trong việc phát triển chip thử nghiệm dựa trên chiplet kết nối UCIe đầu tiên trong ngành, được công bố vào năm 2023 với sự hợp tác của Intel.
Brian Chen, chuyên gia của KPMG, nhận định nhu cầu kỹ năng kỹ thuật bậc cao tại Việt Nam đang lớn hơn nguồn cung khi nhiều công ty dịch chuyển sang Đông Nam Á. Ông cho rằng vẫn còn nhiều dư địa để đội ngũ nhân tài phát triển. Riêng lĩnh vực thiết kế chip, ông tin rằng mỗi công ty sẽ tuyển dụng ít nhất 300 đến 500 người cho văn phòng Việt Nam.
Ngoài ra, so với Đài Loan (Trung Quốc) hay Hàn Quốc, năng suất và mức lương của kỹ sư tại Việt Nam cũng là một yếu tố hấp dẫn hơn nhờ hiệu quả về mặt chi phí. Ông Chen chỉ ra, TP. Hồ Chí Minh vẫn là lựa chọn số một của các công ty nước ngoài vì chất lượng cuộc sống và sôi động. Hà Nội sẽ là điểm đến tiếp theo.
(Theo Nikkei)
>>Bình Định tham vọng trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn, AI và an ninh mạng
Việt Nam chọn 40 nhân tài xuất sắc để đào tạo thiết kế chip 
Hé lộ mức thu nhập trong mơ của kỹ sư thiết kế chip Việt Nam