Vĩ mô

Việt Nam thu hút 510 tỷ USD FDI, nhưng chỉ 5% vào công nghệ

Hồng Gấm 24/04/2025 - 16:22

Nhìn từ con số 5% vốn ngoại rót vào "chất xám", cho thấy Việt Nam cần chấm dứt cạnh tranh bằng lao động giá rẻ và chi phí năng lượng thấp, thay vào đó tập trung thu hút đầu tư chọn lọc vào các ngành công nghệ cao, sử dụng nhân lực chất lượng và nâng cấp chuỗi giá trị.

Thông tin tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2025 - Vietnam Connect Forum 2025, ngày 23/4, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho biết, tính đến hết tháng 3/2025, Việt Nam có hơn 42.760 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký vượt 510 tỷ USD, xếp trong nhóm 15 quốc gia thu hút FDI lớn nhất toàn cầu.

"Tuy nhiên, chỉ khoảng 5% trong tổng vốn FDI được đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, một con số được đánh giá là chưa tương xứng với kỳ vọng", Thứ trưởng Trung nhận định.

"Điểm nghẽn" kết nối FDI không chỉ nằm ở bản thân doanh nghiệp ngoại mà còn xuất phát từ năng lực nội tại yếu kém của doanh nghiệp Việt, thể hiện qua chất lượng sản phẩm, quản trị chưa cao. Ông ví von sự khác biệt về tốc độ phát triển như "một doanh nghiệp đi quá nhanh và một doanh nghiệp đi quá chậm không thể nắm tay nhau cùng tiến". Thêm vào đó, các quy định đầu tư, thuế, đất đai còn khắt khe, tạo ra thế bất lợi cho doanh nghiệp trong nước so với các ưu đãi mà doanh nghiệp FDI được hưởng, càng làm sâu sắc thêm vấn đề kết nối.

Việt Nam thu hút 510 tỷ USD FDI, nhưng chỉ 5% vào công nghệ
Chỉ khoảng 5% trong số đó được đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao - chưa tương xứng với kỳ vọng.

>>> Loại hình bất động sản nào vẫn 'mắc kẹt' ở vùng đáy giữa lúc thị trường dần ấm lên?

Đặc biệt, trong bối cảnh mới, nhân lực chất lượng cao là mấu chốt thu hút FDI công nghệ. Sự thiếu hụt chuyên gia cao cấp là “điểm trũng” cần lấp của Việt Nam. Mục tiêu đầy tham vọng về 50.000 kỹ sư chip vào năm 2030 vẽ ra một lộ trình đầy thách thức khi con số hiện tại mới chỉ dừng ở mức khiêm tốn 5.000. Khoảng trống khổng lồ này là rào cản không nhỏ trên con đường hiện thực hóa khát vọng trở thành một cứ điểm quan trọng trong chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu.

Để có chiến lược thu hút và phát triển FDI hiệu quả, chuyên gia kinh tế trưởng ADB Việt Nam - Nguyễn Bá Hùng, đưa ra một góc nhìn sâu sắc: không nên "đánh đồng" tất cả doanh nghiệp FDI. Thay vào đó, cần phân loại họ thành các nhóm khác nhau dựa trên đặc điểm, mục tiêu và tiềm năng đóng góp, từ đó xây dựng những động lực phát triển riêng biệt và phù hợp cho từng nhóm, tối ưu hóa lợi ích mang lại cho nền kinh tế Việt Nam.

Thứ nhất, nhóm doanh nghiệp "đầu đàn" FDI, đóng vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chọn Việt Nam như một công xưởng chiến lược, nơi họ có thể tối ưu hóa chi phí sản xuất nhờ nguồn nhân lực vừa có kỹ năng vừa cạnh tranh về giá, cùng với hạ tầng đang ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu vận hành quy mô lớn.

Việt Nam rất được lòng nhóm này (chiếm 70% xuất khẩu). Để doanh nghiệp nội tham gia và nâng chất FDI, không cách nào khác ngoài việc tự nâng cao năng lực, ứng dụng công nghệ và đáp ứng chuẩn mực quốc tế. Đây là "chìa khóa" để Việt Nam tận dụng tối đa lợi thế FDI và xây dựng nền kinh tế tự chủ hơn.

Nhóm thứ hai nhắm vào thị trường nội địa đầy tiềm năng của Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài bất động sản, các lĩnh vực khác chưa thu hút hiệu quả. Đầu tư hạ tầng rất cần nhưng thời gian hoàn vốn dài (15-20 năm) đòi hỏi chính sách ổn định và tin cậy để hấp dẫn nhà đầu tư. Các dự án có thể không nhất thiết 100% vốn nước ngoài mà có thể bắt tay cùng thực hiện. Đây không chỉ là cánh cửa đón vốn ngoại mà còn là con đường tắt để doanh nghiệp Việt tiệm cận công nghệ tiên tiến, từng bước "lột xác" về năng lực và vươn mình trong chuỗi giá trị.

Nhóm thứ ba là những doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ cao, điển hình như các ngân hàng quốc tế. Với nhu cầu phát triển vốn đầu tư khổng lồ, Việt Nam không chỉ kỳ vọng vào nguồn lực tài chính từ các doanh nghiệp này mà còn coi trọng cơ hội học hỏi kinh nghiệm chuyên môn, đặc biệt trong việc quản lý và xử lý các dự án vốn lớn, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực trong ngành tài chính - ngân hàng nước nhà.

>>>TS. Nguyễn Đình Cung: Nhiều rào cản pháp lý khiến doanh nghiệp tư nhân vẫn khó bước đi

Gần 500 tỷ USD vốn FDI từ các ‘đại bàng’: Việt Nam trở thành mắt xích chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu

GS.TS Nguyễn Mại: Việt Nam là hình mẫu thành công trong thu hút FDI

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/viet-nam-thu-hut-510-ty-usd-fdi-nhung-chi-5-vao-cong-nghe-287700.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Việt Nam thu hút 510 tỷ USD FDI, nhưng chỉ 5% vào công nghệ
    POWERED BY ONECMS & INTECH