Vĩ mô

TS. Nguyễn Đình Cung: Nhiều rào cản pháp lý khiến doanh nghiệp tư nhân vẫn khó bước đi

Hồng Gấm 22/04/2025 11:45

TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng một số quy định trong Luật Đầu tư Việt Nam vẫn còn khác biệt so với thông lệ quốc tế và chưa được điều chỉnh dù đã được góp ý từ năm 2005. Theo ông, cần mạnh dạn gỡ bỏ những rào cản này để tạo chuyển biến tích cực trong môi trường đầu tư.

Trong không khí "Bàn tròn sáng kiến chính sách phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam" chiều 21/4, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đã khẳng định một cách đầy lạc quan về "bình minh" cải cách: "Trong bối cảnh hiện tại, tôi nhận thấy cuộc cải cách của chúng ta đang có những tiền đề thuận lợi chưa từng có, Tổng Bí thư Tô Lâm đang mở ra nhiều không gian và cơ hội cho khu vực kinh tế tư nhân".

Tuy nhiên, đằng sau sự lạc quan ấy là một lời kêu gọi hành động mạnh mẽ, một sự kỳ vọng vào những thay đổi mang tính "đại phẫu" để thực sự giải phóng tiềm năng của khu vực này.

TS. Nguyễn Đình Cung: Nhiều rào cản pháp lý khiến doanh nghiệp tư nhân vẫn khó bước đi

"Thời gian tới, Quốc hội không nên đặt KPI là ban hành bao nhiêu luật, mà nên đo lường bằng số lượng luật không cần thiết bị loại bỏ”, ông Cung nói. Ảnh minh hoạ.

>>>Hơn 30 tỷ USD mắc kẹt trong bất động sản: Giải mã điểm mù pháp lý và tìm liều thuốc cho thị trường

TS. Nguyễn Đình Cung chỉ ra rằng, tư duy về quyền kinh doanh hiện vẫn là một trong những rào cản lớn đối với doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Dù pháp luật khẳng định nguyên tắc tự do kinh doanh trong những gì không bị cấm, nhưng trên thực tế, môi trường pháp lý lại tồn tại nhiều quy định khiến nguyên tắc này khó được thực thi đầy đủ. Luật Doanh nghiệp dù áp dụng tư duy "chỉ cấm những gì được quy định rõ", nhưng đang bị hạn chế bởi hàng loạt văn bản pháp lý chồng chéo.

Vị chuyên gia chia sẻ góc nhìn rằng, trong thực tế, nhiều hoạt động của doanh nghiệp tư nhân vẫn đang vận hành theo hướng “được cho phép mới làm”, thay vì thực sự dựa trên nguyên tắc “luật không cấm thì được làm”. Ông cũng nhấn mạnh, quyền “cho phép” này đôi khi còn phụ thuộc vào cách hiểu – thậm chí là cảm nhận cá nhân – của một bộ phận công chức, và đó là điều đáng để suy ngẫm.

Minh họa bằng quy trình thẩm định đầu tư, ông Cung chỉ rõ thực trạng: trong đó một dự án có thể phải qua 24 cơ quan thẩm định, và chỉ cần một ý kiến phủ quyết từ một cán bộ cũng đủ để "gác" lại toàn bộ dự án. Nguyên nhân sâu xa có thể do thiếu hiểu biết dẫn đến e ngại và bác bỏ, đây là giới hạn mà doanh nghiệp tư nhân đang gặp phải.

TS. Nguyễn Đình Cung kỳ vọng vào thông điệp của Tổng Bí thư về việc xóa bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ băn khoăn về khả năng thực thi trong bối cảnh hệ thống pháp luật hiện nay vẫn còn nặng về tư duy cấm đoán. Theo ông, việc sửa đổi nhỏ lẻ sẽ không mang lại hiệu quả, bởi “điểm nghẽn” lớn nhất nằm ở chính cấu trúc và tư duy quản lý.

“Có thể nhiều người cho rằng quan điểm của tôi là cực đoan, nhưng tôi tin đó là cách tiếp cận hợp lý. Điều tôi muốn nhấn mạnh là: Nghị quyết lần này liệu có dám chọn con đường ‘đập bỏ’ để làm lại từ đầu hay không? Một cuộc ‘đại phẫu’ toàn diện là điều cần thiết nếu chúng ta thực sự muốn thay đổi,” ông Cung nhấn mạnh.

Phân tích sâu hơn, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết, trước năm 1990, Việt Nam có hệ thống pháp luật riêng cho đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, kể từ năm 2005, việc hợp nhất thành một Luật Đầu tư chung đã vô tình áp dụng cách quản lý vốn ngoại lên cả vốn nội.

Hệ quả là trong khi nhà đầu tư nước ngoài được hưởng quy trình đơn giản hơn, thì doanh nghiệp tư nhân trong nước lại phải đối mặt với rào cản lớn mang tên “chủ trương đầu tư”. Theo ông Cung, điều này khiến tới 90% doanh nghiệp bị đình trệ ngay từ vòng đầu tiên. “Nhiều doanh nghiệp tư nhân còn chưa thể vượt qua được ‘vòng gửi xe’ – tức là khâu hoàn thiện hồ sơ xin chủ trương đầu tư – chứ chưa nói đến các bước tiếp theo,” ông nhận định.

TS. Nguyễn Đình Cung cũng nhấn mạnh, tư duy “ngăn sông cấm chợ” đối với đầu tư nhà nước là một vấn đề đáng suy ngẫm. Sau khủng hoảng kinh tế, Chỉ thị 1792 của Thủ tướng đã đưa ra chủ trương cắt giảm đầu tư công. Tư tưởng này sau đó được thể chế hóa trong Luật Đầu tư công và dường như vẫn còn tác động cho đến hiện tại.

Theo ông, việc Luật Đầu tư hiện hành vẫn duy trì cơ chế “giấy phép đầu tư” đối với doanh nghiệp tư nhân là điều bất thường, đi ngược thông lệ quốc tế. “Tôi đã phản đối quy định này từ năm 2005, nhưng đến nay vẫn chưa có thay đổi đáng kể. Nếu thực sự muốn chuyển biến, tôi cho rằng cần giữ lại Luật Xây dựng, còn lại nên mạnh dạn loại bỏ và xây dựng một khung pháp lý hoàn toàn mới,” ông Cung đề xuất.

Một phân khúc tăng giá 300 triệu đồng/m2, chuyên gia cảnh báo: 'Đừng thấy đỏ mà tưởng chín'

Hơn 30 tỷ USD mắc kẹt trong bất động sản: Giải mã điểm mù pháp lý và tìm liều thuốc cho thị trường

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ts-nguyen-dinh-cung-nhieu-rao-can-phap-ly-khien-doanh-nghiep-tu-nhan-van-kho-buoc-di-287447.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    TS. Nguyễn Đình Cung: Nhiều rào cản pháp lý khiến doanh nghiệp tư nhân vẫn khó bước đi
    POWERED BY ONECMS & INTECH