VietinBank lần thứ 4 rao bán khoản nợ 560 tỷ đồng của Descon: Giá bán bằng 50% dư nợ
Tài sản thế chấp của Descon tại VietinBank là 20 lô đất và loạt hợp đồng thi công dự án.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank ) chi nhánh Bắc Sài Gòn vừa thông báo bán khoản nợ của Công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp (Descon) để xử lý thu hồi nợ vay. Tính đến ngày 13/9/2023, tổng dư nợ tại doanh nghiệp này là hơn 560 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc hơn 327 tỷ đồng, lãi cộng dồn và lãi quá hạn cộng dồn gần 234 tỷ đồng.
Toàn bộ dư nợ của Descon tại VietinBank được bảo đảm bằng 18 hợp đồng bảo đảm được ký trong giai đoạn 2015 - 2018.
Trong đó là toàn bộ là quyền đòi nợ hình thành từ hợp đồng thi công công trình được ký giữa Descon và các doanh nghiệp. Ngoài ra, tài sản bảo đảm còn có quyền tài sản phát sinh từ dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Descon tại Phường 10, TP Đà Lạt; quyền tài sản từ phát sinh từ Hợp đồng khung về chuyển nhượng Dự án Preches ngày 20/9/2015 với CTCP Đầu tư Thảo Điền; 20 quyền sử dụng đất tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai.
Giá khởi điểm toàn bộ khoản nợ là 265 tỷ đồng, giảm 62 tỷ đồng so với lần rao bán gần nhất (tháng 7/2023).
Trước đó, VietinBank đã khởi kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng đối với Descon. Tòa án nhân dân TP HCM đã có bản án phúc thẩm ngày 18/5/2022, tuyên buộc Descon phải thanh toán toàn bộ gốc, lãi, lãi phạt quá hạn cho VietinBank.
Được biết, Công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp tiền thân là Phân viện thiết kế Miền Nam, thuộc Viện thiết kế, Bộ Công nghiệp nhẹ, thành lập năm 1976. Ngày 25/2/2002, công ty thực hiện cổ phần hóa và chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp.
Người đại diện theo pháp luật của công ty theo cổng đăng ký kinh doanh quốc gia là ông Nguyễn Quang Minh.
Một số dự án mà Descon đã tham gia thực hiện là bệnh viện quốc tế Pháp Việt, nhà máy sợi Formosa, bệnh viện Tâm Đức, nhà máy Changshin Vina, nhà máy cà phê Sài Gòn – Vinamilk, nhà máy sữa Nutifood…
Về cơ cấu cổ đông, cũng tại thời điểm cuối năm 2017, Descon ghi nhận 4 cổ đông tiêu biểu là ông Trịnh Thanh Huy (56,18%), Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (1,6%), Công ty TNHH Mascon (13,76%) và Asian Worldwide Resources Limited (2,05%).
Cổ phiếu DCC của công ty này chính thức giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) từ ngày 12/12/2007 và rời sàn chứng khoán sau đó 4 năm vì vi phạm công bố thông tin. Tại thời điểm hủy niêm yết, DCC chỉ dừng lại ở mức giá 9.500 đồng/cổ phiếu tương đương giá trị vốn hóa hơn 97 tỷ đồng.
Tuy nhiên đến tháng 9/2020, trên trang web chính thức của công ty này đã đăng tải thông tin về việc tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 vào tháng 10 sau đó. Một trong những kế hoạch được ban lãnh đạo công ty này công bố là việc triển khai niêm yết cổ phiếu DCC trên sàn chứng khoán.
Một thông tin khác về Descon, vào cuối năm 2018, công ty này nhận quyết định mở thủ tục phá sản của tòa án nhân dân TP. HCM theo đơn kiện của một nhà cung cấp nước ngoài là Siam City Cement Ltd (SIAM).
Được biết, thông tin này do Công ty Cổ phần Kỹ nghệ lạnh (Searefico) công bố. Ở thời điểm đó, Searefico có hợp đồng thi công cùng Descon với tư cách là nhà thầu phụ tại các dự án mà Descon đang thực hiện với vai trò nhà thầu chính, do đó Searefico đã gửi thông báo các khoản nợ của Descon tới tòa án nhân dân TP. HCM để thu hồi nợ, giảm thiểu thiệt hại.
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 của Descon. |
Về kết quả kinh doanh, Descon đã công bố khoản lỗ lớn trong năm 2018 và 2019. Cụ thể, năm 2018, công ty lỗ tới 388 tỷ đồng và năm 2019 lỗ 52 tỷ đồng. Tổng lỗ luỹ kế hết năm 2019 là 380 tỷ đồng.
Tính tới cuối năm 2019, Descon vẫn đang nợ các nhà thầu, các nhà cung cấp số tiền 740 tỷ đồng. Ngoài ra, Descon có 709 tỷ đồng nợ đi vay từ các ngân hàng và các cá nhân và các tổ chức có liên quan.