Vietnam Airlines (HVN) muốn phát hành cổ phiếu để huy động vốn, mục đích trả nợ và đầu tư
Vietnam Airlines (HVN) từng phát hành 800 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cp để huy động 8.000 tỷ đồng vào năm 2021, nguồn vốn chủ yếu đến từ Chính phủ.
Trong kế hoạch tái cơ cấu nguồn vốn giai đoạn năm 2024 - 2025 trình ĐHĐCĐ thường niên 2024 sáng ngày 21/6, Vietnam Airlines (HoSE: HVN ) cho biết sẽ trình các cấp có thẩm quyền thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc nhà đầu tư riêng lẻ để tăng vốn.
Theo doanh nghiệp, giải pháp trên nhằm kêu gọi bổ sung tiền từ các cổ đông, nhà đầu tư là phương án đảm bảo tính khả thi, không tạo áp lực cho cân đối thu chi trong các năm tiếp theo. Các lợi ích gồm: cải thiện quy mô vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu, bổ sung dòng tiền thiếu hụt cho hãng, tạo nguồn vốn dài hạn, đảm bảo các chỉ số tài chính không bị mất cân đối, không có chi phí vốn trực tiếp. Từ đó, Vietnam Airlines giảm chi phí, góp phần cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh, từng bước xóa lỗ lũy kế.
"Chúng tôi sẽ triển khai ngay giải pháp này sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương và các vướng mắc về pháp lý được xử lý, tháo gỡ", lãnh đạo HVN nói. Quy mô, số lượng cổ phiếu phát hành sẽ được Vietnam Airlines công bố vào thời điểm thích hợp sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương.
Hình ảnh tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Vietnam Airlines tổ chức sáng ngày 21/6 |
Về mục đích sử dụng vốn, toàn bộ số tiền thu được sẽ bổ sung dòng tiền thiếu hụt phát sinh do dịch bệnh, hoàn trả một phần các khoản nợ được giãn hoãn trong giai đoạn Covid-19 và triển khai một số dự án đầu tư trọng điểm cho giai đoạn năm 2024 - 2030 như: Dự án đầu tư phát triển đội tàu bay, Dự án Tổ hợp công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không của Vietnam Airlines tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Tại thời điểm ngày 31/3, quy mô tài sản của Vietnam Airline là 56.316,2 tỷ đồng được hình thành hoàn toàn từ nợ phải trả là 68.872,3 tỷ đồng sau khi đã bù đắp nguồn vốn chủ sở hữu âm 12.566,1 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty đã bớt âm 4.459,8 tỷ đồng so với ngày đầu năm chủ yếu đến từ 2 khoản là được xóa nợ 3.030,3 tỷ đồng và tiền phạt thu về 568,8 tỷ đồng.
Trên thị trường, HVN đang lưu hành 2,2 tỷ cổ phiếu và có 3 cổ đông lớn là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (55,2% cổ phần), Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (31,14% cổ phần), Tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản - ANA Holdings Inc. (5,62% cổ phần), còn 8,04% cổ phần do nhà đầu tư nhỏ lẻ cầm. Như vậy, nếu phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, Nhà nước sẽ đóng góp lớn nhất vào nguồn vốn huy động được.
Năm 2021, Vietnam Airline từng phát hành 800 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng để huy động 8.000 tỷ đồng. Sau đợt phát hành, công ty phân phối được 796,1 triệu cổ phiếu, tương ứng 7.961 tỷ đồng. Trong đó, SCIC đã thay mặt Chính phủ giải ngân số tiền 6.894,9 tỷ đồng mua 689,5 triệu cổ phiếu HVN.
Từ ngày 1/1 - 20/6, cổ phiếu HVN đã tăng khoảng 185% lên 34.700 đồng/cp, vốn hóa công ty hiện tại là 78.500 tỷ đồng.
>> Vietnam Airlines (HVN) bất ngờ báo lãi kỷ lục, được xóa nợ hơn 3.000 tỷ đồng