Vietnam Airlines (HVN) tiết lộ khoản tiền thiệt hại vì 'tắc nghẽn giao thông'

29-12-2023 09:10|Yên Hoàng

Vietnam Airlines cho biết, ngoài vấn đề bị thiệt hại do tình trạng quá tải hạ tầng, doanh nghiệp còn bị thiệt hại do biến động tỷ giá.

Sáng ngày 28/12, tại Hội nghị tổng kết năm của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), ban lãnh đạo của các hãng hàng không đã nêu ra vấn đề quá tải hạ tầng sân bay.

Với tư cách là đại diện các hãng hàng không Việt Nam phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HVN) cho biết, năm 2023 tiếp tục là một năm khó khăn với các hãng bay. Ông Hòa chia sẻ thêm, mặc dù dịch Covid-19 đã được đẩy lùi, nhưng các xung đột địa chính trị và tình hình suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng đến ngành hàng không.

Vietnam Airlines (HVN) tiết lộ khoản tiền thiệt hại vì 'tắc nghẽn giao thông'
Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines

Trong khi đó, tình trạng quá tải hạ tầng vẫn tái diễn, đặc biệt tại 2 sân bay lớn nhất cả nước là Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Tính riêng trong năm 2023, Vietnam Airlines chịu thiệt hại gần 500 tỷ đồng vì tắc nghẽn sân bay.

Ông Hòa dẫn chứng nhiều chuyến bay chặng Hà Nội - TP.HCM trong 2 giờ song do ùn tắc không lưu hoặc hạ tầng khiến máy bay phải bay vòng quanh Tân Sơn Nhất, làm tăng chi phí nhiên liệu và ảnh hưởng dây chuyền các chuyến bay khác.

Sân bay Tân Sơn Nhất hiện có công suất 28 triệu hành khách mỗi năm. Nhưng năm 2019, tổng sản lượng hành khách qua cảng hơn 41,2 triệu, vượt công suất thiết kế 150%. Năm 2022, lượng hành khách đạt 34 triệu, vượt công suất 21%, gây quá tải cả hạ tầng nhà ga, khu bay và không lưu.

Sân bay Nội Bài hiện có công suất 25 triệu hành khách mỗi năm. Năm 2023, sản lượng hành khách thông qua cảng dự kiến gần 30 triệu hành khách.

Vietnam Airlines (HVN) tiết lộ khoản tiền thiệt hại vì 'tắc nghẽn giao thông'
Máy bay đỗ tại sân bay Nội Bài

Cùng với quá tải hạ tầng, giá nhiên liệu bay bình quân cả năm khoảng 105 USD/thùng, tăng 30% so với năm 2019, làm tăng chi phí phát sinh trực tiếp đối với hoạt động khai thác. Theo ông Hòa, riêng Vietnam Airlines, con số này ước tính 5.900 tỷ đồng.

Ngoài vấn đề hạ tầng, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, hãng còn chịu thiệt hại do biến động tỷ giá. Đơn cử như khi khai thác thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, hãng chịu thiệt hại khi đồng tiền của 2 quốc gia này mất giá so với USD.

Theo ông Hòa, 2024 là năm quan trọng, đánh dấu sự phục hồi của hàng không sau giai đoạn dài chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Vietnam Airlines sẽ duy trì thị phần ở các đường bay trọng điểm, mở rộng đường bay quốc tế, dự kiến mở một loạt đường bay xuyên lục địa đi Canada, Italy và các nước Bắc Âu.

Lãnh đạo Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp ứng dụng công nghệ số song song với đầu tư mở rộng, nâng cấp hạ tầng sân bay. Đồng thời cân đối giữa việc phát triển hãng bay, đội tàu bay với năng lực khai thác và hạ tầng sân bay.

Ông Hòa cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm ban hành thông tư điều chỉnh việc quản lý slots (giờ hạ cất cánh) tại các sân bay nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng, cho phép các hãng hàng không linh hoạt về giá vé theo cơ chế thị trường, không để xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, bán dưới giá thành nhằm giành thị phần.

> > Vietnam Airlines đề xuất được làm nhà đầu tư tổ hợp công trình dịch vụ sân bay Long Thành

Vietnam Airlines (HVN) đạt tỷ lệ chuyến bay đúng giờ xấp xỉ 82%

Cập nhật kết quả kinh doanh năm 2024: GAS, OIL, PVT, DCM, HVN, ACV, MVN, Vicem...

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vietnam-airlines-hvn-tiet-lo-khoan-tien-thiet-hai-vi-tac-nghen-giao-thong-217599.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Vietnam Airlines (HVN) tiết lộ khoản tiền thiệt hại vì 'tắc nghẽn giao thông'
    POWERED BY ONECMS & INTECH