Viettel hợp tác cùng Nokia triển khai mạng truyền dẫn quang tốc độ 'khủng' 1,2Tb/s tại Việt Nam
Giải pháp mới được trang bị chipset PSE-6s - chip xử lý quang học thế hệ thứ 6 tiên tiến nhất.
Nokia vừa công bố vào ngày 6/11 về thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Viettel trong việc triển khai giải pháp truyền tải quang học tốc độ cao, nhằm phục vụ nhu cầu kết nối 5G, các trung tâm dữ liệu (DCI) và kết nối quốc tế tại Việt Nam. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025, cung cấp cho Viettel khả năng truyền tải dữ liệu lên tới 1,2 terabit/giây (Tb/s) trên mỗi bước sóng, một bước tiến đột phá trong công nghệ truyền dẫn quang tại Việt Nam.
Theo Nokia, giải pháp mới được trang bị chipset PSE-6s (super-coherent Photonic Service Engines) – chip xử lý quang học thế hệ thứ 6 tiên tiến nhất, phát triển trên nền tảng DWDM 1830PSS. Đây là lần đầu tiên chip PSE-6s của Nokia được triển khai tại Việt Nam. Giải pháp này hứa hẹn giúp Viettel mở rộng dung lượng mạng một cách dễ dàng, đảm bảo hiệu năng cao, đồng thời giảm đến 60% lượng điện năng tiêu thụ của hệ thống, nâng cao hiệu quả vận hành.
>> Cổ phiếu 'nhà' Viettel đồng loạt tăng mạnh sau thông tin công bố dự án lớn ở Lạng Sơn 
Ông Vito Di Maria, Giám đốc giải pháp Mạng quang của Nokia khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhận định rằng khi lưu lượng dữ liệu ngày càng lớn, các nhà mạng cần phát triển hệ thống truyền tải có khả năng mở rộng dung lượng đáng kể. Việc sử dụng chipset PSE-6 của Nokia không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu này một cách hiệu quả về chi phí mà còn tăng cường độ tin cậy và tối ưu hóa năng lượng cho mạng lưới truyền dẫn quang của Viettel.
Đại diện Viettel cũng cho biết, giải pháp truyền dẫn quang mới sẽ cung cấp dung lượng cần thiết cho nhu cầu hiện tại và tương lai khi mạng 5G phát triển mạnh mẽ và dịch vụ điện toán đám mây ngày càng phổ biến. Dự án sẽ kết nối các trung tâm dữ liệu của Viettel tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, tạo điều kiện mở rộng dung lượng và tối ưu hóa chi phí vận hành, khai thác mạng lưới của tập đoàn.
Ngoài ra, Nokia cũng sẽ cung cấp đồng thời ba giao diện 800GE hoặc sáu giao diện 400GE trên một bo mạch, giúp nâng tổng dung lượng truyền dẫn khả dụng lên tới 38,4 Tb/s trên một cặp sợi quang trong băng tần C. Với khả năng kết nối quốc tế và tốc độ cao của hệ thống truyền tải mới, dự án này kỳ vọng sẽ tạo nền tảng vững chắc cho các ứng dụng kết nối thế hệ mới, giúp Việt Nam sẵn sàng đón đầu kỷ nguyên số hóa và phát triển mạnh mẽ trong ngành viễn thông khu vực.
Cổ phiếu 'nhà' Viettel đồng loạt tăng mạnh sau thông tin công bố dự án lớn ở Lạng Sơn 
Tập đoàn Viettel 2 lần vô địch cuộc thi bảo mật lớn nhất thế giới