VIMC dồn lực cho siêu cảng Cần Giờ, tăng sức cạnh tranh quốc tế
Tại hội nghị tổng kết của Bộ Giao thông vận tải ngày 30/12, Tổng CTCP Hàng hải Việt Nam (VIMC - Mã MVN, tên cũ Vinalines) đã đề ra những chiến lược đột phá nhằm nâng tầm ngành hàng hải Việt Nam.
Với định hướng rõ ràng, VIMC  tập trung vào nâng cấp hạ tầng cảng biển, phát triển đội tàu và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tạo nền móng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Tàu lớn cần luồng lớn: Thách thức và giải pháp
Sự gia tăng kích thước tàu biển và sản lượng hàng hóa đã đặt áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng hàng hải. Năm 2024, sản lượng hàng hóa qua cảng biển Việt Nam đạt 30 triệu TEU, chỉ kém Singapore 7 triệu TEU. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất nằm ở vấn đề nạo vét luồng lạch khi ngân sách hạn chế và tiến độ chậm chạp cản trở khả năng tiếp nhận tàu lớn.
Để giải quyết, VIMC tập trung vào các dự án cảng nước sâu, đặc biệt là dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Theo Tổng Giám đốc VIMC, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, dự án này sẽ giúp giảm chi phí logistics, tăng năng lực vận chuyển trực tiếp và giảm phụ thuộc vào trung chuyển qua Singapore. Cụm cảng Cần Giờ cùng với Cái Mép - Thị Vải sẽ trở thành tổ hợp cảng chiến lược, tái định tuyến hàng hải khu vực và tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.
Tổng Giám đốc VIMC, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh |
Ngoài hạ tầng cảng, VIMC đặt mục tiêu phát triển đội tàu quốc gia thông qua hợp tác với các hãng tàu lớn trên thế giới. Chiến lược này không chỉ giúp mở rộng thị trường và mạng lưới vận tải, mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Ông Tĩnh nhấn mạnh: “Chúng tôi không chỉ phục vụ vận tải nội địa mà còn đặt mục tiêu vươn ra các tuyến quốc tế, đưa hàng hóa Việt Nam trực tiếp ra thế giới mà không qua trung chuyển”.
Thành tựu và kế hoạch lớn hơn
Năm 2024, VIMC đạt sản lượng hàng hóa qua cảng 145 triệu tấn, tăng 27% so với năm trước; sản lượng vận tải biển đạt 20 triệu tấn, vượt 22% kế hoạch. Đây là nền tảng cho những kế hoạch lớn hơn, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm hàng hải khu vực.
VIMC ước đạt doanh thu 17.496 tỷ đồng, vượt 30% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.873 tỷ đồng, vượt 5% kế hoạch. Nhờ tạo ra gần 11.400 tỷ đồng lãi sau thuế kể từ năm 2016 tới cuối quý III/2024, VIMC đã hết xóa hết lỗ lũy kế vào quý I/2024, lợi nhuận chưa phân phối lần đầu chuyển dương sau một thập kỷ (mức 60 tỷ đồng).
Hình minh họa |
Tháng 10 vừa qua, VIMC đã có lần đầu trả cổ tức bằng tiền (tỷ lệ 0,39% cho năm 2023) sau nhiều năm. Với việc gia tăng lợi nhuận thặng dư kể từ quý II/2024 tới nay, cổ đông MVN hoàn toàn có thể kỳ vọng được nhận mức cổ tức hấp dẫn hơn trong thời gian tới.
Dựa trên tiềm lực tài chính mạnh mẽ, VIMC đang triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và đối tác chiến lược, đồng thời giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống 65%. Công ty cũng tích cực thoái vốn tại 9 doanh nghiệp trong năm 2024 nhằm tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh.
Không chỉ dừng lại ở các mục tiêu kinh tế, VIMC còn hướng tới đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Việt Nam. Các dự án cảng nước sâu không chỉ tạo việc làm mà còn thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Với đội tàu chiếm 25% tổng dung tích đội tàu cả nước và mạng lưới cảng biển trải dài từ Bắc vào Nam, VIMC tiếp tục khẳng định vị thế trong ngành hàng hải và logistics.
Ông Tĩnh chia sẻ: “Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ và các bộ ngành, đặc biệt là các cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp lớn như phân cấp mạnh mẽ quyền tự quyết. Đây là điều kiện tiên quyết để các tập đoàn Việt Nam vươn ra biển lớn”.
>> 2025: Chờ đợi tiếng cồng niêm yết từ 6 'bom tấn' sàn UPCoM 
Cập nhật kết quả kinh doanh năm 2024: GAS, OIL, PVT, DCM, HVN, ACV, MVN, Vicem... 
Hãng vận tải biển lớn nhất thế giới sắp cùng VIMC (MVN) thực hiện dự án hơn 48.000 tỷ đồng?