Vinamilk (VNM) cán mốc doanh thu kỷ lục 61.800 tỷ đồng trong năm 2024
Năm 2024, doanh thu thuần từ thị trường nước ngoài của Vinamilk (VNM) đạt gần 11.000 tỷ đồng. Một số thị trường ghi nhận doanh thu tăng trưởng từ 2 đến 3 chữ số so với cùng kỳ.
CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HOSE: VNM ) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 với doanh thu xấp xỉ cùng kỳ, ở mức gần 15.500 tỷ đồng. Trong đó, động lực tăng trưởng từ thị trường nước ngoài đến từ 2 công ty con là Angkor Milk (Campuchia) và Driftwood (Mỹ). Angkor Milk đạt tăng trưởng hơn 20% nhờ đẩy mạnh tiếp thị và giới thiệu các sản phẩm mới, trong khi Driftwood tại Mỹ có doanh thu tăng trưởng trên 10%.
Kết quả kinh doanh quý IV/2024 của Vinamilk |
Doanh thu hoạt động tài chính gần 395 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính cho thấy lãi vay giảm hơn 30%, còn khoảng 66 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty ghi nhận khoản lãi từ công ty liên kết, liên doanh hơn 23 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 28 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí, Vinamilk báo lãi sau thuế đạt hơn 2.146 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế năm 2024, Vinamilk  cán mốc doanh thu kỷ lục 61.800 tỷ đồng, tăng gần 3% so với năm trước. Trong đó, doanh thu thuần từ thị trường nước ngoài đạt gần 11.000 tỷ đồng, tăng 12,9%. Động lực tăng trưởng không chỉ đến từ các thị trường truyền thống mà còn từ các thị trường cao cấp như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada và Mỹ. Một số thị trường ghi nhận doanh thu tăng trưởng từ 2 đến 3 chữ số so với cùng kỳ. Đại diện doanh nghiệp cho biết, công ty đang phát triển thêm nhiều hình thức kinh doanh mới để khai thác tối đa thị trường xuất khẩu với dư địa tăng trưởng tốt, đồng thời tận dụng hết thế mạnh về năng lực sản xuất và cung ứng của Vinamilk.
Lãi gộp cả năm đạt gần 25.600 tỷ đồng, tăng hơn 4% và cao nhất trong 3 năm qua. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 9.500 tỷ đồng, vượt nhẹ kế hoạch năm.
Tại ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Vinamilk cán mốc hơn 55.000 tỷ đồng, tăng gần 5% so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền, cùng các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi ngân hàng dưới 3 tháng), đạt gần 25.500 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm và chiếm 46% tổng tài sản. Hàng tồn kho cuối năm còn khoảng 5.700 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận lũy kế chưa phân phối đạt gần 3.500 tỷ đồng.
>> Mặt hàng đặc biệt lọt vào 'tầm ngắm' của Vingroup, Masan và Vinamilk sắp được chuẩn hóa giao dịch
Đạt Phương (DPG) mang về 303 tỷ đồng lãi sau thuế, dòng tiền kinh doanh lần đầu âm 
Petrolimex (PLX) mở trạm dừng nghỉ tạm trên cao tốc 7.300 tỷ đồng phục vụ người dân đón Tết