Doanh nghiệp A-Z

Mặt hàng đặc biệt lọt vào 'tầm ngắm' của Vingroup, Masan và Vinamilk sắp được chuẩn hóa giao dịch

Thu Huyền 19/01/2025 17:00

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì xây dựng Nghị định về quản lý tín chỉ carbon ra nước ngoài, một thị trường thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp.

Sắp có quy định về quản lý trao đổi tín chỉ carbon ra nước ngoài

Ngày 13/1/2025, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy vừa có cuộc làm việc với Tập đoàn Erex (Nhật Bản) về các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, cơ chế JCM và trao đổi tín chỉ carbon. Một trong những nội dung quan trọng trong cuộc làm việc này là dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý hoạt động trao đổi tín chỉ carbon ra nước ngoài, sẽ giúp Việt Nam trở thành một phần quan trọng trong hệ thống toàn cầu giảm phát thải khí nhà kính.

Mặt hàng đặc biệt lọt vào 'tầm ngắm' của Vingroup, Masan và Vinamilk sắp được chuẩn hóa giao dịch
Buổi làm việc giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tập đoàn Erex (Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường)

Trong khuôn khổ Cơ chế JCM (Joint Crediting Mechanism), Việt Nam và Nhật Bản đã đàm phán để ký kết điều ước quốc tế nhằm thực hiện các dự án giảm phát thải khí nhà kính. Đây là một mô hình hợp tác điển hình, giúp cả hai quốc gia tiến gần hơn đến mục tiêu giảm thiểu phát thải và nâng cao hiệu quả các chương trình bảo vệ môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì việc xây dựng Nghị định về quản lý tín chỉ carbon ra nước ngoài. Dự thảo Nghị định này sẽ quy định chi tiết về việc các quốc gia đối tác có thể sử dụng tín chỉ carbon mà họ đã mua để đóng góp vào cam kết giảm phát thải của chính họ trong khuôn khổ đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Điều này không chỉ giúp Việt Nam tiếp tục nâng cao vai trò trong cộng đồng quốc tế mà còn tạo ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước tham gia vào thị trường tín chỉ carbon quốc tế.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Erex, ông Honna Hitoshi cho biết, Tập đoàn rất quan tâm đến việc trao đổi tín chỉ carbon và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Tài nguyên và Môi trường. Điều này sẽ giúp Tập đoàn triển khai các dự án đầu tư giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời thúc đẩy việc tạo ra tín chỉ carbon đặc biệt dưới cơ chế JCM.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các đối tác Nhật Bản và Công ty Erex tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là trong lĩnh vực giảm phát thải khí nhà kính.

Lộ trình và tiềm năng của thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam

Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước. Đây được xem là văn bản pháp quy đầu tiên thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực góp phần chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo đó, kể từ năm 2025, Việt Nam sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon. Đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Từ năm 2028, Việt Nam sẽ chính thức tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon trên phạm vi toàn cầu.

Mặt hàng đặc biệt lọt vào 'tầm ngắm' của Vingroup, Masan và Vinamilk sắp được chuẩn hóa giao dịch
Việt Nam sẽ thí điểm thị trường carbon từ năm 2025 (Ảnh: Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm. Nếu thực hiện được các giao dịch tương xứng, nước ta có thể bán tín chỉ carbon với giá trị khoảng 300 triệu USD/năm.

Tại hội thảo "Phát huy giá trị nguồn lợi từ rừng gắn với mục tiêu NET - Zero và phát triển bền vững" tháng 9/2024, ông Hà Công Tuấn - Chủ tịch Hội Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: “Hiện nay, thị trường tín chỉ carbon toàn cầu đang diễn ra rất sôi động, với tín chỉ carbon được coi là một loại hàng hóa có thể giao dịch. Giá 1 tín chỉ carbon dao động từ 1-2 USD, thậm chí đến gần 200 USD”.

Vingroup, Vinamilk, Masan cùng chờ đợi

Ông Phan Chiến Thắng, Giám đốc Truyền thông, Cộng đồng và Quan hệ Đối ngoại, Công ty Masan High-Tech Materials (MSR - công ty con của Tập đoàn Masan) chia sẻ: “Theo lộ trình Chính phủ Việt Nam thì thị trường carbon sẽ vận hành chính thức vào năm 2028, từ trước đến nay chúng tôi luôn thực hiện hình thức tiết kiệm năng lượng, trồng cây xanh, tái chế chất thải và có thể nói đến thời điểm này chúng tôi đã sẵn sàng về kỹ thuật và tài chính để sẵn sàng tham gia việc mua bán, trao đổi tín chỉ carbon trong tương lai, ngay khi thị trường chính thức đi vào vận hành”.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu & Phát triển (R&D) Vinamilk (HoSE: VNM) cho biết thời gian qua công ty đã thực hiện nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

“Trong tương lai, chúng tôi có thể tính đến việc bán tín chỉ carbon nếu việc hấp thụ khí thải nhà kính lớn hơn so với lượng thải ra”, ông Khánh nói.

Ông Khánh cho biết có dự án thì phải tính chi phí đầu tư và tỷ suất lợi nhuận thu lại, nhưng kinh nghiệm của Vinamilk nếu đầu tư từ sớm thì chi phí sẽ thấp hơn và lợi ích thu lại lớn hơn rất nhiều. "Nếu nhiều năm trước chúng tôi không tiến hành chương trình 1 triệu cây xanh thì bây giờ chúng tôi không thể tự trung hòa lượng phát thải phát ra", ông Khánh chia sẻ và cho biết trang trại và nhà máy cân bằng khoảng 17.500 tấn CO2/năm. Điều này tương đương 1,7 triệu cây xanh 5 tuổi. Chi phí là có nhưng hiệu ích lớn hơn.

Mặt hàng đặc biệt lọt vào 'tầm ngắm' của Vingroup, Masan và Vinamilk sắp được chuẩn hóa giao dịch
Robot LGV hiện đại của Vinamilk giúp giảm 62% khí thải phát ra so với xe nâng truyền thống (Ảnh: Báo Tuổi Trẻ)

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Tập đoàn Vingroup (VIC), ở phiên thảo luận, một cổ đông đã đặt câu hỏi: "VinFast hiện thu chủ yếu từ việc bán xe, nhưng theo tôi được biết thì chứng chỉ carbon cũng tạo ra nguồn thu. VinFast giảm thải được rất nhiều carbon, hiện VinFast đã làm hồ sơ pháp lý gì để phát hành chứng chỉ carbon trong thời gian tới?".

Giải đáp vấn đề này, ông Phạm Nhật Vượng thông tin: "Chúng tôi đã thành lập tổ công tác để thúc đẩy việc bán chứng chỉ carbon không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác".

Thị trường tín chỉ carbon đang mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình hướng tới phát triển bền vững và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Với tiềm năng hàng trăm triệu USD mỗi năm, tín chỉ carbon không chỉ là công cụ góp phần bảo vệ môi trường mà còn trở thành nguồn thu hấp dẫn trong tương lai.

>> Biến 8.000ha trồng mía thành 'cứ điểm' tín chỉ carbon, Lasuco (LSS) mang cơ hội tiền tỷ cho nông dân Việt

Lập kỳ tích số 1 tại thị trường Việt Nam, VinFast tuyển gấp 1.000 nhân sự cho việc vận hành nhà máy mới

VinFast tung ‘át chủ bài’ mới vào ngày mai (18/1), tiềm năng thay đổi cục diện thị trường ô tô Việt Nam

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/mat-hang-dac-biet-lot-vao-tam-ngam-cua-vingroup-masan-va-vinamilk-sap-duoc-chuan-hoa-giao-dich-272288.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Mặt hàng đặc biệt lọt vào 'tầm ngắm' của Vingroup, Masan và Vinamilk sắp được chuẩn hóa giao dịch
    POWERED BY ONECMS & INTECH