VinFast và kế hoạch bán một mặt hàng đặc biệt, tiềm năng hàng tỷ USD sẽ được Chính phủ triển khai từ năm 2025
Mặt hàng đặc biệt này được ví như “gà đẻ trứng vàng” đối với các hãng xe điện và là tài sản rất quan trọng mà các công ty ô tô cần cân nhắc vì chúng sẽ định hình tương lai của ngành.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước. Đây được xem là văn bản pháp quy đầu tiên thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực góp phần chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo đó, kể từ năm 2025, Việt Nam sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon. Đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Từ năm 2028, Việt Nam sẽ chính thức tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon trên phạm vi toàn cầu.
Việt Nam sẽ thí điểm thị trường carbon từ năm 2025 (Ảnh: Bộ Tài nguyên và Môi trường) |
Tín chỉ carbon là gì?
Thị trường carbon (CO2) xuất hiện kể từ thời điểm Liên Hợp Quốc chính thức thông qua Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu vào năm 1997, nhằm giải quyết nhu cầu đối với các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết.
Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính (KNK). Do carbon là KNK quy đổi tương đương của mọi KNK nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.
Tín chỉ carbon (carbon credit) là thuật ngữ dùng để chỉ chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng KNK quy đổi sang CO2 tương đương. Một cách khái quát nhất, tín chỉ carbon có thể coi là 1 loại “giấy phép”, cho phép chủ sở hữu nó được quyền phát thải khí carbon dioxide (CO2) hoặc các loại khí thải nhà kính khác được quy đổi tương đương ra CO2, với số lượng phát thải bằng đúng số lượng tín chỉ mà họ sở hữu. Một tín chỉ carbon bằng 1 tấn carbon dioxide (CO2) hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn CO2 tương đương.
Tiềm năng của thị trường tín chỉ carbon và kế hoạch của VinFast
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC ), ở phiên thảo luận, 1 cổ đông đã đặt câu hỏi: "VinFast hiện thu chủ yếu từ việc bán xe, nhưng theo tôi được biết thì chứng chỉ carbon cũng tạo ra nguồn thu. VinFast giảm thải được rất nhiều carbon, hiện VinFast đã làm hồ sơ pháp lý gì để phát hành chứng chỉ carbon trong thời gian tới?".
Giải đáp vấn đề này, ông Phạm Nhật Vượng  thông tin: "Chúng tôi đã thành lập tổ công tác để thúc đẩy việc bán chứng chỉ carbon không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác".
Được biết, tín chỉ carbon đang được ví như "gà đẻ trứng vàng" của các hãng ô tô điện. Mặc dù không tác động trực tiếp đến người mua ô tô, nhưng tín chỉ carbon là tài sản rất quan trọng mà các công ty ô tô cần cân nhắc và chúng sẽ định hình tương lai của ngành này. Các nhà sản xuất xe điện có được một lượng tín chỉ carbon dư thừa từ việc sản xuất xe điện. Họ có thể bán chúng cho những nhà sản xuất ô tô khác để giúp các bên này tuân thủ những quy định về khí thải.
Một trong những ông lớn ngành xe điện là Tesla đã áp dụng thành công lợi thế này. Trong khi nhiều hãng xe khác đang loay hoay tìm hướng đi trong cuộc đua điện khí hóa thì Tesla của Elon Musk đã tạo ra khoản tiền đáng kể 1,79 tỷ USD từ việc bán tín dụng carbon năm 2023, nâng tổng thu nhập từ các khoản tín dụng từ tín chỉ carbon kể từ năm 2009 lên gần 9 tỷ USD.
Nguồn: CarbonCredits |
Ở Mỹ, nhiều bang đã và đang thực thi các quy định về việc phân tín dụng carbon cho các công ty sản xuất ô tô cá nhân.
Theo các quy định này, tín dụng carbon được tính dựa trên mức độ phát thải của từng chiếc xe, cùng với các yếu tố như thời gian hoạt động và số km mà phương tiện có thể di chuyển trong 1 lần sạc. Xe có khả năng di chuyển xa và lâu hơn trong mỗi lần sạc sẽ được hưởng nhiều tín dụng carbon hơn.
Chính phủ các bang này quy định rằng mỗi năm, các hãng xe phải sản xuất một số lượng ô tô không phát thải dựa trên tổng số xe được bán ra trong bang đó. Điều này có nghĩa là mức độ sản xuất xe không phát thải sẽ tăng theo tỷ lệ với số lượng xe bán ra. Trong trường hợp các hãng xe không đáp ứng được mức tín dụng carbon yêu cầu trong 1 năm, họ có thể mua tín dụng từ các công ty khác.
Không chỉ riêng Mỹ, mà cả Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc cũng áp dụng các quy định tương tự. Tại Trung Quốc, các quy định về mức tín dụng carbon đối với các nhà sản xuất ô tô đã tăng từ năm 2019 và đang trong quá trình phát triển.
Việc giảm lượng khí thải carbon và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là vấn đề cấp thiết toàn cầu, do đó, nhu cầu về tín chỉ carbon dự kiến sẽ tăng trong tương lai.
Động thái mới của VinFast sau chính sách miễn phí sạc pin cho tất cả ô tô điện 
Kế hoạch dài hơi của VinFast cho chính sách miễn phí sạc pin xe điện trong 2,5 năm tới