Vịnh biển duy nhất Việt Nam 3 lần được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới tiếp tục lập hồ sơ trình UNESCO công nhận danh hiệu mới
Bên cạnh các giá trị nổi bật về địa hình, cảnh quan và đa dạng sinh học, nơi đây còn chứa đựng nhiều văn hoá, lịch sử đặc biệt.
Theo Báo Lao Động, tỉnh Quảng Ninh  đã chính thức lập hồ sơ đề nghị UNESCO xem xét công nhận vịnh Hạ Long theo tiêu chí văn hóa và tiêu chí đa dạng sinh học theo Công ước Di sản Thế giới 1972.
Bên cạnh giá trị nổi bật toàn cầu về cảnh quan thiên nhiên, địa chất và địa mạo đã được UNESCO công nhận, vịnh Hạ Long còn sở hữu nhiều giá trị khoa học đặc biệt, đặc biệt là giá trị văn hóa và lịch sử. Chính điều này đã tạo nên sức hấp dẫn độc đáo của vịnh, được các chuyên gia thuộc Hội đồng Quốc tế về Di tích và Di chỉ (ICOMOS) khuyến nghị nghiên cứu và lập hồ sơ để đề xuất UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản Thế giới.
Theo các tài liệu nghiên cứu, vịnh Hạ Long được xác định là một trong những cái nôi cư trú đầu tiên của người Việt cổ . Dấu tích sớm nhất tại đây thuộc về chủ nhân nền văn hóa Soi Nhụ (niên đại từ 18.000 - 7.000 năm trước), tiếp đó là văn hóa Cái Bèo (7.000 - 5.000 năm trước) và cuối cùng là văn hóa Hạ Long (5.000 - 3.500 năm trước).
Không chỉ là vùng đất của những giá trị khảo cổ học, vịnh Hạ Long và vùng phụ cận còn ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa nổi bật của dân tộc qua các thời kỳ. Với vị trí chiến lược quan trọng, từ thế kỷ XII, dưới triều vua Lý Anh Tông, thương cảng Vân Đồn đã được thành lập tại khu vực này. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, vịnh Hạ Long còn là nơi chứng kiến những chiến công vang dội, gắn liền với những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Ngoài ra, vịnh Hạ Long  còn lưu giữ những giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc của cộng đồng ngư dân thủy cư. Nét văn hóa độc đáo của các làng chài truyền thống, gắn liền với cuộc sống trên biển, đã tạo nên bản sắc riêng cho vùng vịnh giàu tiềm năng này.
Trong khi đó, vịnh Hạ Long còn được đánh giá là khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao, với hệ sinh thái phong phú và đặc trưng của quần đảo đá vôi vùng nhiệt đới. Khu vực này sở hữu nhiều hệ sinh thái độc đáo như: thảm thực vật trên đảo, hệ sinh thái hang động, rừng ngập mặn, vùng triều đáy mềm, vùng triều đáy cứng, bãi triều cát, rạn san hô, tùng - áng và vùng ngập nước thường xuyên ven bờ.
Về sinh vật, Vịnh Hạ Long hiện đã thống kê được 2.949 loài động thực vật, bao gồm 1.259 loài sống trên cạn và 1.553 loài sinh vật thủy vực. Trong đó, có 102 loài quý hiếm đang bị đe dọa ở các cấp độ khác nhau, được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam, Công ước CITES và Danh lục đỏ IUCN. Ngoài ra, vịnh còn có 17 loài thực vật đặc hữu như: cọ Hạ Long, thiên tuế Hạ Long, nhài Hạ Long, ngũ gia bì Hạ Long...
Đặc biệt, hệ thực vật phong phú tại đây còn có nhiều loài hoa mang giá trị thẩm mỹ cao, góp phần tôn thêm vẻ đẹp cảnh quan độc đáo của vịnh. Một số loài nổi bật có thể kể đến như: bông mộc, hài vệ nữ hoa vàng, khổ cử đài tím và lan hài đốm.
Vịnh Hạ Long được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới lần đầu tiên vào ngày 17/12/1994 nhờ giá trị cảnh quan nổi bật toàn cầu. Đến ngày 29/11/2000, vịnh biển đẹp nhất nhì Việt Nam một lần nữa được vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới nhờ giá trị nổi bật về địa chất và địa mạo.Và mới đây nhất, vào đêm 16/9/2023 (giờ Việt Nam), vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) cùng quần thể đảo Cát Bà (TP Hải Phòng) đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Sự kiện này cũng đưa vịnh Hạ Long của Việt Nam trở thành một trong những địa danh hiếm hoi trên thế giới được UNESCO vinh danh tới 3 lần. |
Quảng Ninh sắp đưa vào khai thác 3 bãi tắm độc đáo bậc nhất trên vịnh Hạ Long 
Điểm đến xứ Thanh được ví như ‘vịnh Hạ Long’ trên cạn